Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, quyết định

10:04 | 18/11/2021 Print
"Vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đừng coi ngành nông nghiệp là một ngành truyền thống như trước"- Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết.
Để nông nghiệp sớm hồi phục trong “trạng thái bình thường mới” Tận dụng tốt cơ hội chuyển đổi số cho xuất khẩu thủy sản Nợ ngắn hạn của HNG gấp gần 1,8 lần tài sản ngắn hạn

Chiều 17/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Liên kết 3 nhà chưa hiệu quả như kỳ vọng

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng, thời gian qua, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy suất nguồn gốc, nhu cầu thị trường… Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học, di truyền, phân tích hệ gene, nuôi cấy mô, quản lý giống vật nuôi; phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ dò cá sử dụng sóng siêu âm, công nghệ GIS, GPS…

“Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết”- ông Nguyễn Duy Hưng nói.

Nguyễn Duy Hưng
Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu

Tuy nhiên, cũng theo Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương, thực tế cho thấy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số. Tại Hội nghị Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 6 vừa qua do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logictics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Nhắc đến câu chuyện “biến cái không thể thành có thể” của Israel, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh về cơ hội của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là khi Việt Nam có đội ngũ doanh nghiệp, giới khởi nghiệp năng động sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế mối liên kết 3 nhà trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam dù vẫn đang được coi là trọng tâm, nhưng chưa thực sự đạt nhiều kết quả như kỳ vọng.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Chia sẻ về thành công trong công nghiệp nông nghiệp của Israel, đất nước hầu như không có bất cứ điều kiện tự nhiên thuận lợi nào để phát triển nông nghiệp, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết Israel xây dựng ngành công nghệ nông nghiệp được trên cơ sở phát huy mối liên hệ tương hỗ giữa người nông dân - nhà nghiên cứu và ngành nông nghiệp, gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư. 50% nguồn vốn đầu tư vào công nghệ nông nghiệp của Israel là từ bên ngoài, từ các quỹ đầu tư.

“Ở đây, vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đừng coi ngành nông nghiệp là một ngành truyền thống như trước”- ông Nadav Eshcar nói.

Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long có dư địa lớn để ứng dụng công nghệ nông nghiệp vào nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn như ứng dụng các giải pháp để kiểm soát bệnh tật, đảm bảo môi trường sống thuận lợi nhất cho thủy sản... Đồng thời, điều quan trọng là con đường từ trang trại đến bàn ăn được kiểm soát chất lượng, người nông dân không cần phải lo quá nhiều. Ông cũng lưu ý, khi thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngập mặn... để có quyết sách phù hợp và nhấn mạnh “Israel mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này”.

Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang gặp không ít vướng mắc. Theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện tỉnh có 60.228 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích canh tác của Lâm Đồng, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao chiếm 38,4% trong ngành nông nghiệp tỉnh. Song, quá trình thu hút đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư lớn, cần diện tích đất lớn, dự báo thị trường chưa sát, giá thành sản xuất còn cao... Đặc biệt, công tác quan lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, quản lý quy hoạch chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, thiếu tôn trọng quy định về sở hữu trí tuệ...

Về vấn đề này, bà Dina Umali-Deininger - Giám đốc thực hành nông nghiệp, thực phẩm toàn cầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, để khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia, cần môi trường chính sách thuận lợi, khuyến khích chuyển đổi số, thu hút không chỉ các nhà sáng tạo, các nhà khởi nghiệp mà các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc khuyến khích người dân tham gia cũng cần vai trò của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước. "Ở đây, vai trò của Chính phủ mang tính dẫn dắt và quyết định" - bà Dina Umali-Deininger khẳng định.

Các kiến nghị tại Hội thảo sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam