Năm 2022: Bộ Tài chính đề xuất giảm 37% biên chế khối sự nghiệp

21:20 | 25/11/2021 Print
Chiều 25/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát làm việc với Bộ Tài chính.
Thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2022 Dự toán chi phải gắn với sắp xếp bộ máy, giảm biên chế

Chi ngân sách cho sự nghiệp giảm 31,75%

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, về biên chế công chức hành chính của Bộ Tài chính, biên chế giao năm 2021 là 66.836 chỉ tiêu, giảm so với năm 2015 là 7.426 chỉ tiêu, tương đương 10%. Tính đến thời điểm 30/6/2021, Bộ Tài chính đã sử dụng 66.724 chỉ tiêu biên chế hành chính, gồm 58.636 biên chế hiện có mặt và 7.638 chỉ tiêu đã và đang triển khai kế hoạch tuyển dụng.

Nguyên tắc giao biên chế là không cào bằng với tỷ lệ giảm như nhau tại các đơn vị mà trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quy mô, khối lượng công việc được giao, vị trí việc làm và quá trình sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy gắn với thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị.

Về biên chế viên chức, biên chế giao năm 2021 tại các đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là 2.054 chỉ tiêu (giảm 10% biên chế so với năm 2017). Tính đến thời điểm 30/6/2021, Bộ Tài chính đã sử dụng 1.624 biên chế tại đơn vị sự nghiệp do NSNN đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

trương Thị Mai
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đức Minh

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện thay thế nguồn chi thường xuyên từ NSNN bằng nguồn thu sự nghiệp, giảm chi NSNN hỗ trợ cho hoạt động thường xuyên và giải thể đối với một số đơn vị sự nghiệp. Theo đó, nguồn NSNN hỗ trợ hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính đến năm 2021 đã giảm 31,75% so với giai đoạn 2016 – 2020.

Ngoài ra, hàng năm, Bộ Tài chính đã thực hiện tinh giản biên chế theo kế hoạch, đến nay đã tinh giản được tổng số 1.017 trường hợp (đạt 110,4% so với kế hoạch). Đồng thời, đã đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến năm 2021, Bộ Tài chính thẩm định, duyệt kinh phí tinh giản biên chế đối với các trường hợp với tổng số kinh phí gần 140 tỷ đồng (trung bình gần 20 tỷ đồng/năm), bao gồm nguồn NSNN là hơn 129 tỷ đồng, nguồn thu của đơn vị là gần 11 tỷ đồng.

Tinh giản, sắp xếp bộ máy gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đều đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung báo cáo đầy đủ, chi tiết, bám sát yêu cầu của Bộ Tài chính. Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đánh giá, về tổng thể cho thấy, Bộ Tài chính đã làm bài bản, bám sát chủ trương, thực hiện tốt công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy trong hệ thống của bộ quản lý. Mặc dù khối lượng công việc ngày càng tăng, nhưng Bộ Tài chính vẫn phấn đấu giảm 10% số biên chế công chức, gắn với việc sắp xếp lại bộ máy. Bộ Tài chính đã có những đóng góp chung cho cả hệ thống chính trị trong việc tinh giản biên chế bằng các chính sách, văn bản hướng dẫn được ban hành.

Về các đề xuất của Bộ Tài chính cho giai đoạn tới, theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương là rất sát với thực tế. Đặc biệt, đề xuất giảm 37% biên chế ở khối sự nghiệp là “rất cách mạng”, đáng được hoan nghênh.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, là một bộ lớn việc sắp xếp, tinh giản hệ thống các cơ quan trong ngành Tài chính là rất vất vả, khó khăn. Để làm được điều này, một trong những đóng góp quan trọng là việc đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong suốt 20 năm qua của ngành Tài chính.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhiệm kỳ vừa qua Bộ Tài chính đã rất nỗ lực trong tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy. Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần tiến hành tổng kết, rút nghiệm từ quá trình triển khai.

Bộ trưởng nêu rõ, ngành Tài chính có những đặc thù riêng biệt, lĩnh vực phụ trách nhiều, mức độ chuyên môn hóa cao. Do đó, việc luân chuyển theo yêu cầu có thể khiến không đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, một số tổng cục có quy mô rất lớn, địa bàn rộng, mà số cấp phó theo quy định không quá 3 người là một khó khăn. Ngoài ra, một thực tế là việc tinh giản biên chế có số lượng lớn là người nghỉ hưu, thôi việc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Không áp dụng máy móc ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đồng tình với nhiều ý kiến được nêu và nhấn mạnh những kết quả Bộ Tài chính đạt được trong thời gian qua. Cùng với việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, Bộ Tài chính đã gắn với việc nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy, tiết giảm chi ngân sách sự nghiệp, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. “Chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp tiếp tục giảm 31,75% so với giai đoạn trước. So với mục tiêu của Nghị quyết 19 thì Bộ Tài chính đã làm tốt hơn” - Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai cũng lưu ý Bộ Tài chính đang ở trong tình trạng tương tự nhiều cơ quan khác là việc tinh giản biên chế chưa tập trung giảm được những người kém năng lực, mà phần lớn là người về hưu, xin thôi việc. Như vậy, chính sách tiền lương còn chưa động viên được lớp trẻ, cần có đánh giá cụ thể để có giải pháp cho vấn đề này.

Đối với những đề xuất, kiến nghị được đưa ra, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng khẳng định không áp đặt, áp dụng máy móc để làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn. Trên tinh thần đó, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục có đánh giá sâu sắc hơn công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy, làm rõ những mặt được, chưa được gắn với những đề xuất để nâng cao hiệu lực hiệu quả. Nếu chỉ tinh giản mà không nâng cao được hiệu lực, hiệu quả thì cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Quan trọng nhất là hiệu quả mang lại cho người dân, cho đất nước” - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Bộ Tài chính đề xuất được giao ổn định biên chế trong giai đoạn 2023 – 2026

Về biên chế sự nghiệp năm 2022, tổng số biên chế sự nghiệp Bộ Tài chính đề xuất giao cho các đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên và ngân sách đảm bảo chi thường xuyên là 2.049 chỉ tiêu. Trong đó 1.282 chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ NSNN, giảm 722 chỉ tiêu tương đương 37% so với biên chế Bộ Tài chính thực hiện giao năm 2021. Theo đó, đảm bảo vượt 3 lần so với định mức tối thiểu 10% của định hướng đề ra.

Về đề xuất biên chế hành chính năm 2023 – 2026, để tạo điều kiện cho ngành Tài chính đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ và đáp ứng khối lượng công việc ngày càng tăng trong giai đoạn 2022 – 2026, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục được giao ổn định biên chế trong cả giai đoạn 2023 – 2026 là 66.836 chỉ tiêu công chức (bằng số biên chế hành chính Bộ Tài chính được giao trong năm 2022).

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam