Nguồn: Bộ Tài chính    Infographic: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Infographic: Hồng Vân

Phải đánh giá tác động của sắp xếp bộ máy đến ngân sách

Bộ Tài chính nêu rõ, dự toán chi hoạt động năm 2022 nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sáp nhập các xã chưa đạt chuẩn...

Đồng thời, quy định phải đánh giá tác động của sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đến NSNN, gồm: kinh phí dành ra đối với các cơ quan hành chính từ giảm chi NSNN do sắp xếp tổ chức bộ máy (giảm chi hoạt động bộ máy, chi cơ sở vật chất...); giảm chi NSNN do giảm biên chế (giảm chi quỹ lương, giảm chi thường xuyên); nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo chế độ, chính sách hiện hành. Trong đó, biên chế năm 2022 là biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Về chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể, Bộ Tài chính đề nghị làm rõ: số biên chế được giao năm 2022, trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm 1/6/2021; số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu biên chế năm 2022 nêu trên.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị phải xác định quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng (tính đủ 12 tháng) do NSNN đảm bảo; thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác) năm 2022 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Giảm chi hàng chục nghìn tỷ đồng nhờ tinh giản biên chế

Theo Bộ Tài chính, thực hiện Kết luận 17-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, năm 2019 - 2020 đã thực hiện cắt giảm ngay từ khâu dự toán phần định mức chi thường xuyên tương ứng với số biên chế phải giảm của các bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế đến hết năm 2020 đã cắt giảm khoảng 271 tỷ đồng, tương đương 7,3% tổng chi định mức và dự toán năm 2021 tiếp tục cắt giảm thêm 70 tỷ đồng chi thường xuyên theo định mức của các bộ, cơ quan trung ương.

Giai đoạn 2016 - 2020, dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó, cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. Qua thống kê cho thấy, 5 năm (2016 - 2020) đã giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, phải được tính toán trong dự toán NSNN hàng năm đã thực hiện nhiều năm nay. Theo ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, những năm gần đây, việc xây dựng và giao dự toán ngân sách hàng năm đã gắn với yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Dự toán NSNN năm 2022 cũng sẽ phải tiếp tục thực hiện yêu cầu này.

Để thực hiện đồng bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hàng năm ban hành các quyết định giao chỉ tiêu biên chế hành chính, số lượng tối đa viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên.

Tùy từng cơ quan, đơn vị, nhưng nhìn chung số lượng chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm đã bám sát yêu cầu tinh giản biên chế, giảm đối tượng hưởng lương trực tiếp từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần các Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tài chính tính toán, giao dự toán chi cho phù hợp, từng bước cơ cấu lại ngân sách.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội và các đơn vị sử dụng ngân sách. Chi tiêu ngân sách phải hiệu quả hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực chi đầu tư mà cả trong chi thường xuyên.

Đây cũng là vấn đề được Quốc hội qua các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm. Qua các cuộc thảo luận về thực hiện dự toán NSNN hàng năm, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản nhất để cơ cấu lại NSNN, giảm tỷ trọng chi thường xuyên là tinh giản biên chế, sắp xếp, cắt giảm bộ máy. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương. Như vậy, mới giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, từ đó có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác.

3 năm tinh gọn bộ máy, giảm chi hơn 15 nghìn tỷ đồng

Trên thực tế, việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW đã tạo được nhận thức mới, tư duy mới và hành động quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trong tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã giảm trên 27.500 biên chế công chức; giảm gần 243.000 biên chế viên chức - vượt mục tiêu giảm 10% mà Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2021.

Những con số này đã tạo ra hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năm 2019 giảm 0,85% tỷ trọng chi thường xuyên so với năm 2017, tương đương 10.000 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, chi ngân sách nhà nước đã giảm trên 15.000 tỷ đồng từ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới lĩnh vực sự nghiệp công.

Minh Anh