HAH: Gánh nặng chi phí khấu hao tăng trong năm 2022

21:16 | 12/01/2022 Print
(TBTCO) - Cổ phiếu HAH của Công ty cổ phần Xếp dỡ Hải An có giai đoạn tăng mạnh trong năm 2021 phù hợp với kết quả lợi nhuận tăng của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc công ty mạnh tay đầu tư tài sản cố định đang tạo sức ép buộc phải đẩy mạnh doanh thu trong năm 2022 để bù đắp được chi phí khấu hao tăng thêm.

Cổ phiếu HAH đã hạ nhiệt

Theo kết quả kinh doanh sơ bộ của Xếp dỡ Hải An, tổng sản lượng ước thực hiện trong năm 2021 đạt 1,019 triệu TEU, vượt gần 5% kế hoạch đề ra. Trong đó, hoạt động sản lượng khai thác tàu ước đạt 421 nghìn TEU, khai thác cảng ước đạt 421 nghìn TEU còn sản lượng Depot ước 119 nghìn TEU. Hoạt động khai thác cảng vượt kế hoạch còn các hoạt động khai thác tàu và sản lượng Depot không đạt kế hoạch.

Tổng doanh thu Hải An ước thực hiện trong năm 2021 xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 114,38% kế hoạch. Kết quả, lợi nhuận sau thuế ước đạt 389 tỷ đồng, gấp tới 2,5 lần mục tiêu đề ra.

HAH: Gánh nặng chi phí khấu hao tăng trong năm 2022
Xếp dỡ Hải An (HAH): Gánh nặng chi phí khấu hao tăng trong năm 2022
Cổ phiếu lớn giảm giá mạnh khiến VN-Index mất mốc 1.500 điểm PV Power (POW): Nghịch lý cổ phiếu tăng nóng dù lợi nhuận cuối năm tuột dốc SMC: Sóng lớn 'xìu' dần và góc khuất tài chính đằng sau hàng tồn kho

Trước đó, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của Hải An cho thấy doanh thu thuần đạt 1.284 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cũng tăng khá tốt với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 209%, giá trị tuyệt đối 9 tháng đầu năm 2021 đạt 284 tỷ đồng.

Về diễn biến cổ phiếu HAH, dù sức nóng cổ phiếu này đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian gần đây, nhưng mặt bằng vẫn treo ở mức khá cao sau chu kỳ tăng tốc kéo dài khoảng 5 tháng, từ tháng 5 đến tháng 9/2021.

Cụ thể, cổ phiều này đã tăng giá từ mức khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5/2021 lên gần sát mốc 70.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 9/2021. Tốc độ tăng giá của cổ phiếu HAH trong giai đoạn này theo đó đạt khoảng 180%. Trong giai đoạn này, chỉ số VN-Index chỉ tăng khoảng 100 điểm từ mức khoảng 1.250 điểm lên quanh mốc khoảng 1.350 điểm (tức tăng khoảng chưa đến 10%).

Việc tăng giá của cổ phiếu HAH thực chất có phần có có cơ sở bởi lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng đạt khá, so với các công ty cùng ngành. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ trong 9 tháng đầu năm đạt 58%, trong khi tỷ lệ này của Công ty cổ phần Đại lý vận tải SAFI (mã cổ phiếu SFI) là 48%, của Công ty cổ phần Transimex (mã cổ phiếu TMS) là 46%.

Một số công ty khác cũng cùng ngành giao vận, nhưng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mặt bằng thấp hơn khác nhiều, ví dụ như của Công ty cổ phần Đại lý giao nhận xếp dỡ Tân Cảng (mã cổ phiếu TCL) chỉ là 29%.

Đại gia ngành logistic là Công ty cổ phần Gemadept (mã cổ phiếu GMD) tuy có quy mô khá lớn với vốn điều lệ tới 3.014 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 6.628 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận/vốn điều điều lệ lại khá lép vế so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khi chỉ đạt 17%.

Áp lực từ chi phí khấu hao

Xếp dỡ Hải An đã có một năm kinh doanh đạt lợi nhuận khá như trên, tuy nhiên, các con số quá khứ chưa hẳn sẽ hứa hẹn cho doanh nghiệp một tương lại kinh doanh cũng tăng tốc như đã từng đạt được.

Theo kế hoạch kinh doanh được HAH đưa ra trong năm 2022, doanh nghiệp này đưa ra mục tiêu tổng sản lượng là 848 nghìn TEU. Doanh thu mục tiêu năm 2022 là 2.388 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 550 tỷ đồng. Các con số này cho thấy Hải An vẫn nuôi tham vọng khá lớn trong năm 2022 với doanh thu có thể tăng trưởng tới 26%, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới 41% so với ước kết quả thực hiện năm 2021.

Tham vọng năm mới lớn là vậy, tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa mục tiêu này ra sao cũng sẽ vẫn là ẩn số bởi hiện tại cũng vẫn là tháng đầu tiên của năm và bức tranh năm mới cũng chưa thể dễ dàng dự đoán, trong đó dịch bệnh Covid-19 cũng chưa hoàn toàn đã được khống chế. Theo đó, cục diện kinh doanh của HAH trong năm 2022 sẽ phụ thuộc vào bối cảnh chung của ngành cảng biển, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thương mại trong năm tới.

Với HAH, doanh nghiệp này đang thực hiện cách tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng.

Theo đó, số năm khấu hao các loại tài sản cố định hữu hình được xác định với nhà cửa/vật kiến trúc là 5-20 năm, máy móc thiết bị là 5-10 năm, phương tiện vận tải là 6-12 năm, thiết bị/dụng cụ quản lý là 3-5 năm, các tài sản cố định khác là 4-10 năm.

Riêng với Xếp dỡ Hải An, công ty này có vẻ có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng để đón đầu cơ hội phục hồi từ năm 2022, thể hiện ở đầu thái đầu tư khá mạnh tay cho tài sản cố định thời gian vừa qua.

Số tiền chi cho hoạt động tư tài sản cố định của Hải An trong 9 tháng đầu năm 2021 là 580 tỷ đồng.

Tính về tỷ lệ chi cho hoạt động này so với doanh thu thì Hải An đang tỏ ra bạo dạn hơn khá nhiều so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác.

Cụ thể, tỷ lệ này của TCL là 38%, còn nhiều doanh nghiệp khác có tỷ lệ khá thấp, chẳng hạn như của đại gia GMD chỉ là 21%, của TMS chỉ vẻn vẹn có 2,8%. Riêng SAFI không chi đồng nào cho tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm 2021.

Việc mạnh tay đầu tư cho tài sản cố định có thể sẽ giúp công ty gia tăng năng lực hoạt động khi nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ phải đối diện với chi phí khấu hao gia tăng, do đó, nếu như quy mô hoạt động không tăng như kỳ vọng thì công ty sẽ vẫn phải chịu khấu hao tài sản.

Với sự tăng tốc đầu tư thêm khá mạnh tay cho tài sản cố định, giá trị tài sản cố định cuối tháng 9/2021 của HAH là 1.580 tỷ đồng, tăng gấp khoảng 1,5 lần so với con số 1.098 tỷ đồng, tại thời điểm đầu năm 2021. Với biến động tăng tài sản cố định như trên, HAH sẽ phải đối mặt với sức ép buộc phải đẩy mạnh doanh thu tăng cao trong giai đoạn tiếp theo mới bù đắp được chi phí khấu hao dự kiến sẽ tăng mạnh thời gian tới.

So sánh một số chỉ số kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của HAH với một số doanh nghiệp kho vận (tỷ đồng)

Chỉ tiêu

Xếp dỡ Hải An (HAH)

Gemadept (GMD)

Đại lý vận tải SAFI (SFI)

Đại lý giao nhận xếp dỡ Tân Cảng (TCL)

Transimex (TMS)

Lợi nhuận sau thuế

284

513

76

88

374

Doanh thu thuần

1.284

2.168

1.138

875

4.061

Vốn điều lệ

488

3.014

158

302

814

Tỷ suất lợi nhuận/vốn

58%

17%

48%

29%

46%

Tiền chi đầu tư tài sản cố định

580

452

0

331

112

Tỷ lệ chi đầu tư tài sản cố định/doanh thu thuần

45%

21%

0

38%

2,8%

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam