MSN về đáy 2 tháng

VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.500 đúng ngày đầu tiên của tháng 1, vai trò của MSN không có gì nổi bật. Hôm đó MSN còn giảm nhẹ 0,6%. Tuy nhiên cổ phiếu này nhanh chóng thu hút chú ý với đà lao dốc chóng mặt và vốn hóa khá lớn của mã này bắt đầu gây ảnh hưởng. Cũng phải chú ý rằng MSN rơi từ đỉnh cao lịch sử của chính mình.

Hôm nay MSN giảm 4,29% so với tham chiếu, trở thành mã khiếu VN-Index mất nhiều điểm nhất (2,42 điểm). Đồng thời, hôm nay là phiên giảm thứ 6 liên tiếp ở mã này, bốc hơi 15,26% giá trị và rơi xuống đáy 2 tháng. Suốt từ đầu tháng 11/2021 tới cuối tháng 12/2021 MSN mới tăng được từng đó, nhưng 6 phiên đã trả lại toàn bộ.

Cổ phiếu lớn khiến VN-Index mất mốc 1500 điểm
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Cùng với MSN hôm nay là 3 mã cũng rất lớn khác: VIC giảm 1,27%, VHM giảm 2,11% và GVR giảm 2,39%. Cả 3 cổ phiếu này đều là động lực đưa VN-Index vượt 1.500 điểm. Do đó khi 3 mã này quay đầu giảm mạnh và lại khiến chỉ số mất ngưỡng 1.500 điểm thì có lẽ không nên quá thất vọng. Vai trò của cổ phiếu lớn là như vậy, luôn có tác động hai chiều.

Thực tế cả 3 cổ phiếu nói trên và nhiều mã blue-chips khác giảm mạnh hôm nay vẫn chưa hẳn là hình thành xu hướng giảm ngắn hạn. Lý do đơn giản là trước đó nhiều mã đã không tăng đáng kể. Biến động giá vẫn đang diễn ra trong vùng tích lũy của các cổ phiếu này mà thôi.

VN30-Index đóng cửa hôm nay giảm 0,99% và VN-Index giảm 0,76%. Riêng nhóm blue-chips chỉ có 6 cổ phiếu còn tăng, nhưng tới 22 mã giảm giá. Số tăng có các đại diện từ hai nhóm cổ phiếu quan trọng là ngân hàng và dầu khí: STB tăng 2,69%, BID tăng 1,42%, GAS tăng 1,27%. Tuy nhiên các mã này không phản ánh giao dịch của các nhóm. Ngân hàng chủ đạo là giảm giá, trong đó VCB, CTG, TCB, ACB, VPB đều mất điểm. Dầu khí thì ngoài GAS cũng đều giảm mạnh.

Do có quá nhiều blue-chips lớn giảm, VN-Index kết phiên hôm nay rơi xuống ngưỡng 1.492,31 điểm, chính thức để mất ngưỡng 1.500 điểm chinh phục được hồi đầu tháng. Mức sụt giảm này cũng khiến nhịp điều chỉnh ngắn hạn của chỉ số dường như trở nên nguy hiểm, khi mốc 1.500 điểm vượt qua được, nhưng không trở thành ngưỡng hỗ trợ đủ mạnh.

Cổ phiếu đầu cơ phân hóa mạnh

Nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là các mã bất động sản, hôm qua chịu tác động tâm lý mạnh mẽ từ diễn biến giao dịch của FLC. Đến hôm nay đã có những thông tin rõ hơn về hành động bán cổ phiếu không báo cáo của Chủ tịch FLC. Nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục điều chỉnh giảm là chủ đạo, nhưng cũng có nhiều mã đảo chiều phục hồi thành công.

Nhìn tổng thể toàn thị trường, thì cứ 1 cổ phiếu giảm giá trên sàn HoSE chỉ có 0,4 cổ phiếu tăng giá, tức là số phục hồi khá hạn chế. Tuy vậy nhiều mã vẫn tăng mạnh cá biệt. HoSE kết phiên ghi nhận 21 mã tăng kịch trần, với cả chục mã thanh khoản cực lớn như LCG, TDC, LDG, KSB, VPH, HCD, DIG, NBB...

Tuy vậy phía ngược lại tuy số giảm sàn chỉ 14 mã, nhưng rõ ràng là số giảm giá mạnh áp đảo. HAR, FRT, AMD, HAI, CKG, QBS, FIT, ROS, JVC giảm sàn với hàng chục triệu đơn vị được chuyển nhượng. Đặc biệt FLC hôm nay lại thanh khoản cực lớn nữa tới gần 155 triệu cổ phiếu, giá giảm 5,91%. Như vậy chỉ trong hai ngày liên tiếp FLC sang tay hơn 261,1 triệu cổ tương đương 36,7% tổng khối lượng lưu hành. Đây là mức giao dịch đáng kinh ngạc, không khác gì bán cả công ty vì cần lưu ý là cổ phiếu phải T+3 mới về đến tài khoản.

Cổ phiếu đầu cơ phân hóa cho thấy vẫn còn dòng tiền hoạt động trong nhóm này dù phiên rúng động hôm qua mang tính cảnh báo mạnh mẽ. Thanh khoản của nhóm smallcap sàn HoSE hầu như không giảm so với phiên trước.

Cổ phiếu lớn khiến VN-Index mất mốc 1500 điểm

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

34.628 tỷ đồng (-11%)

1223,9 triệu (-7%)

3.874 tỷ đồng (-26%)

138,1 triệu (-26%)