Quảng Ninh: Triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế

14:18 | 12/04/2022 Print
(TBTCO) - Bằng sự điều hành linh hoạt, các giải pháp đồng bộ, tỉnh Quảng Ninh từng bước thực hiệu quả “mục tiêu kép”, giữ vững địa bàn thích ứng an toàn, phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng kinh tế trong quý I/2022 đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng là 8,02%.
Quảng Ninh: Chuyển đổi số toàn diện, mục tiêu trở thành mô hình mẫu vào năm 2025 Quảng Ninh: Doanh nghiệp chủ động thích ứng dịch bệnh để phát triển sản xuất kinh doanh

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Quảng Ninh luôn xác định khu vực công nghiệp - xây dựng là khu vực trụ cột của nền kinh tế nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong những tháng đầu năm 2022, Quảng Ninh đã đón nhận nhiều tín hiệu đáng mừng tạo sự khởi sắc cho ngành kinh tế trụ cột này.

Cụ thể, ngày 10/1, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) đã khởi động dự án công nghệ sản xuất tấm silic Jinko Solar Việt Nam tại khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), với quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng. Dự án dự kiến doanh thu bình quân năm hơn 25 nghìn tỷ đồng; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ước trên 460 tỷ đồng; giúp giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương.

Tiếp đó ngày 19/2, Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt tại TP. Cẩm Phả, với quy mô đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, đã chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến đến cuối năm 2022, nhà máy sẽ hoạt động hết công suất thiết kế với 11 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho trên 5.000 lao động, tổng giá trị sản phẩm đạt 22 triệu USD/năm. Cùng với các nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, những tín hiệu khởi sắc này đã góp phần đưa ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 7,54% ngay trong quý I.

Quảng Ninh: Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phấn đấu tăng hầu hết tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Hoàng Yến.

Đáng chú ý, trong quý I/2022, hầu hết tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, than nguyên khai đã sản xuất được 10,58 triệu tấn, tăng 6%; sản lượng than tiêu thụ đạt 11,07 triệu tấn, tăng 12,4%; doanh thu đạt hơn 32.800 tỷ đồng, tăng 24,1%.

Sự tăng trưởng trở lại đối với ngành khai khoáng với 4,31%, chiếm tỷ trọng 15,2% trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP), thúc đẩy tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 7,91%.

Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn

Theo kế hoạch, 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt 10,25%. Quý I/2022 có tốc độ tăng trưởng đạt 8,02% thì mục tiêu tăng trưởng quý II/2022 phải đạt 12,54%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cơ sở khai thác tối đa thời cơ, tiềm năng và lợi thế.

Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế như kịch bản đề ra, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế, nhất là ngành du lịch.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu quý II/2022 tổng lượng khách du lịch đạt 2,5 - 3 triệu lượt người. Vì vậy, tỉnh sẽ triển khai chương trình mở cửa du lịch đến Quảng Ninh năm 2022, với khẩu hiệu “Quảng Ninh - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn - sẵn sàng đón bạn trở lại”.

Trong đó, tỉnh tổ chức đa dạng sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch như: Chương trình carnaval Hạ Long, liên hoan xiếc ba miền, festival áo dài...; thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành; tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông, xúc tiến du lịch...

Quảng Ninh: Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế
Khách du lịch đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Thế An.

Phát huy tối đa vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động các dự án như: Nhà máy Lioncore tại KCN Đông Mai, nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải Hà... trong quý II nhằm tạo động lực tăng trưởng cho ngành chế biến, chế tạo.

Đồng thời, phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, KCN có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, hệ số sử dụng đất, tỷ lệ lấp đầy... Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn mỏ, an toàn lao động; ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo sản lượng than quý II đạt 13,1 triệu tấn.

Với mục tiêu thu ngân sách nhà nước trong quý II đạt gần 14.000 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, khai thác các nguồn thu; triển khai các biện pháp chống thất thu ngân sách; xây dựng kịch bản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2022.

Đồng thời, chính quyền tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất các dự án và đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền sử dụng đất, rà soát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch về tăng cường quản lý thuế, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; rà soát các nguồn thu, khoản thu còn dư địa, còn tiềm năng khai thác tăng thu để bù đắp các khoản giảm thu; rà soát tổng thể thực trạng về cơ cấu sử dụng đất ở các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhằm xác định nghĩa vụ tài chính của dự án; tuyệt đối không để thất thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa hàng hoá về làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước./.

Thế An

© Thời báo Tài chính Việt Nam