Quảng Ninh: Nhiều quyết sách tích cực thay đổi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo Quảng Ninh: Nhiều tín hiệu vui từ xuất nhập khẩu

Đi trước, đón đầu khai thác cơ hội số

Ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) ở tất cả các lĩnh vực. Tháng 10/2016, tỉnh đã phê duyệt Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020.

Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã triển khai nhiều đề án thuộc đề án thông minh, như: Xây dựng trường học thông minh, bệnh viện thông minh, kiến trúc thành phố thông minh, hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh, đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh tại TP Hạ Long…

Quảng Ninh: Chuyển đổi số toàn diện
Ứng dụng Smart Quảng Ninh giúp tăng tính tương tác hai chiều giữa người dân và các cơ quan chính quyền địa phương. Ảnh: Thế An.

Cùng với đó, tháng 8/2019, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức đưa vào vận hành thí điểm trung tâm điều hành thành phố thông minh (đặt tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh), được tích hợp dữ liệu và hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp người đứng đầu có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh.

Thông qua ứng dụng Smart Quảng Ninh, trung tâm cung cấp nhiều tiện ích, cho phép tăng tính tương tác hai chiều giữa người dân và các cơ quan chính quyền, kịp thời xử lý kiến nghị của người dân.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành xây dựng 3 bệnh viện thông minh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi. Đây cũng là 3 bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép triển khai bệnh án điện tử. Các bệnh viện, trung tâm y tế đã kết nối liên thông từ tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương, nhằm phục vụ cho việc tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán bệnh, tư vấn qua mạng với những trường hợp bệnh phức tạp. Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về quản lý sức khỏe toàn dân với 99% dân số trên địa bàn có hồ sơ quản lý sức khỏe.

Quảng Ninh đã xây dựng được 1.432 phòng học thông minh tại 89 trường học. Bên cạnh đó, đến nay 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đã tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi.

Chính từ việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT, Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương đã vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Đây chính là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số toàn diện của Quảng Ninh trong giai đoạn tới.

Đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP

Thực tế cho thấy, quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại Quảng Ninh trước đây vẫn còn những hạn chế như: Cơ hội số chưa được khai thác mạnh mẽ, hạ tầng CNTT còn bất cập, thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt…

Nhằm khắc phục những tồn tại, thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đề ra, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị; phát triển mạnh mẽ kinh tế số để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng năm trong việc phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đáng chú ý, tỉnh sẽ đưa 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; hình thành khu công nghệ thông tin tập trung “Hạ Long ICT Park” tại khu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long) theo định hướng “Cảng dữ liệu và Trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực phía Bắc”; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số…

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Kế hoạch xác định cụ thể những nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các KCN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh…

Quảng Ninh: Chuyển đổi số toàn diện
Mô hình lớp học thông minh tại Trường THCS Cao Thắng (TP Hạ Long). Ảnh: Thế An.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, ban hành, triển khai kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và hằng năm của đơn vị. Ví dụ như: Cục Quản lý thị trường vận hành thông suốt hệ thống xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là INS) từ Cục đến tất cả các đội nghiệp vụ, Sở GD&ĐT sớm thí điểm triển khai phần mềm đối với việc tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp, 6, lớp 10), Sở NN&PTNT hoạt động hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản…

Tỉnh Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là Viettel, FPT, VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện nhằm đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số ở cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số./.