Đổi mới phương thức phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa đồng thời triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch đảm bảo an toàn thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. KCN Đông Mai là một trong những KCN được đầu tư đồng bộ nhất về hạ tầng, có hiệu quả sử dụng đất cao nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

KCN Đông Mai thu hút được nhiều dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao với dây chuyền sản xuất tại chỗ hiện đại, tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Với sự chủ động, nghiêm túc, cùng những giải pháp thiết thực, kịp thời về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, KCN Đông Mai được tỉnh Quảng Ninh ghi nhận là đơn vị điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất.

Đông Mai hiện có 7 doanh nghiệp lớn đang hoạt động với khoảng 9.000 lao động. Suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, KCN này đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và phương án khi có trường hợp nghi mắc hoặc mắc Covid-19 tại các doanh nghiệp trong KCN; mua sắm đầy đủ trang thiết bị y tế cơ bản. KCN Đông Mai hiện có 11 nhân viên y tế phụ trách y tế tại các doanh nghiệp với trình độ chuyên môn cao.

Để chủ động phòng dịch cho người lao động trước tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng như hiện nay, các doanh nghiệp trong KCN Đông Mai đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong các KCN, nhà máy, xí nghiệp giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời, KCN chủ động triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống dịch, như: Lắp đặt thêm hệ thống đo thân nhiệt tại các điểm vào nhà máy, tăng cường xét nghiệm, tăng cường thiết bị sát khuẩn; tầm soát định kỳ yêu cầu các bộ phận, người lao động ký cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động lường trước, kịp thời sắp xếp công việc tại các bộ phận sản xuất bị thiếu hụt do lao động bị F0 không để ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

Quảng Ninh: Khu công nghiệp, Khu kinh tế chủ động thích ứng phục hồi
Người lao động trong KCN Cẩm Thịnh - Cẩm Phả (Quảng Ninh) đảm bảo ký cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trước khi trở lại làm việc. Ảnh: Thế An.

Không chỉ tổ chức test nhanh kháng nguyên thường xuyên cho người lao động trước khi vào nhà máy, phân xưởng, mà các doanh nghiệp còn khuyến khích người lao động chủ động thực hiện test nhanh tại nhà trước khi đến làm việc, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu mắc bệnh.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền người lao động cân nhắc tham gia các hoạt động tập trung đông người sau giờ làm việc; tuân thủ nghiêm 5K khi đến chợ, siêu thị, cửa hàng mua sắm tập trung. Giám sát chặt chẽ người lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp có người lao động, chuyên gia nước ngoài làm việc, lên danh sách theo dõi đầy đủ; cập nhật chính xác tình hình dịch bệnh và chủ động khoanh vùng xử lý dịch khi ghi nhận ca dương tính, tránh để lây nhiễm không có kiểm soát. Qua đó, từng bước giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” của tỉnh Quảng Ninh.

Thu hút trên 1.700 tỷ đồng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư. Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Ban Quản lý khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh được giao làm đầu mối rà soát, hoàn thiện các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một trong những khó khăn lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế nói riêng là thiếu hụt lực lượng lao động, một phần do các công nhân trở về quê ăn Tết chưa kịp trở lại làm việc, một phần do tình hình dịch bệnh diễn biến phức phức tạp.

Thấu hiểu được tình hình này, Ban Quản lý khu kinh tế đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa công nhân quay trở lại làm việc, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm, tuyển chọn thêm lực lượng công nhân thay thế tại các địa phương lân cận trên địa bàn của tỉnh.

Quảng Ninh: Khu công nghiệp, Khu kinh tế chủ động thích ứng phục hồi
Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt được cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 KCN Cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1). Ảnh: Thế An.

Qua thống kê, đến nay đã có 64/64 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh đã quay trở lại hoạt động bình thường với gần 34.000 lao động, chiếm gần 97% tổng số lao động so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Từ đầu tháng 12/2021 đến nay, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế triển khai tiêm mũi 3 cho trên 30.000 lao động. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp, hướng dẫn cách ly điều trị F0 thể nhẹ là công nhân lao động tại nhà, phòng trọ, nơi ở.

Để đảm bảo chủ trương an toàn thích ứng với dịch bệnh, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích, qua email, zalo, nền tảng OTT; xúc tiến, hỗ trợ đầu tư qua môi trường mạng…

Cụ thể, đơn vị đã tiếp nhận 58 hồ sơ TTHC, trong đó, đã giải quyết 50 hồ sơ TTHC (gồm: 40 hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn, 10 hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn), 8 hồ sơ TTHC đang giải quyết, chưa đến hạn trả. Đơn vị đã tích cực triển khai các giải pháp tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC, giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Hiện tại, Quảng Ninh đã hoàn thành cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1) của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam. Đồng thời, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án: Nhà máy Sản xuất loa, tai nghe và thiết bị điện tử thông minh của Công ty TNHH kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; Tổ hợp nhà xưởng tiêu chuẩn kéo sợi Texhong Ngân Quang của Công ty TNHH Đầu tư Texhong Ngân Hà; Khu tổ hợp nhà xưởng và nhà kho xây sẵn Deep C Nga của Công ty Cổ phần DEEP C Nga với tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt trên 1.700 tỷ đồng./.