Điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tạo dư địa cuối năm

08:25 | 27/10/2021 Print
(TBTCO) - Giá xăng dầu cuối năm dự báo sẽ tiếp tục tăng, Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục điều hành linh hoạt, tính toán mức trích lập và chi sử dụng quỹ phù hợp, tạo dư địa cho công tác điều hành giá cuối năm.
Giá xăng dầu tăng gần 1.500 đồng/lít do áp lực giá thị trường thế giới

Mức tăng giá trong nước thấp hơn thế giới

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, giá xăng dầu thế giới thời gian qua liên tục tăng khiến giá trong nước tăng. Trên thế giới, so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm điều hành ngày 12/10/2020), giá xăng dầu biến động tăng từ 88,07 - 112,96%. Cụ thể: xăng RON92 đạt 88,15 USD/thùng, tăng 90,09%; xăng RON95 đạt 90,24 USD/thùng, tăng 88,07%. Các mặt hàng dầu hỏa cũng tăng từ gần 97% - 112,96%.

Trong điều hành giá, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời cùng Bộ Tài chính nhằm điều hành giá xăng dầu trong nước nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công thương- Tài chính thực hiện nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tạo dư địa cuối năm
Giá xăng dầu được điều hành linh hoạt. Ảnh: TL

Từ đầu năm đến nay, Liên Bộ đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong điều hành giá. Quỹ Bình ổn giá đã được chi sử dụng liên tục ở mức cao, để bình ổn giá (khoảng 9.000 tỷ đồng), hài hòa lợi ích nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Từ đó, hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế mức tăng giá trong nước trước diễn biến tăng cao của giá xăng dầu thế giới. Giá xăng sinh học E5RON92 và giá xăng khoáng RON95 được duy trì chênh lệch ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Giá bán trong nước đến ngày 26/10, đã có 20 kỳ điều hành giá, trong đó có 14 kỳ tăng giá, 4 kỳ giảm giá và 2 kỳ ổn định giá. Tính từ đầu năm đến ngày 11/10, giá xăng dầu các loại đã tăng từ 35,13% - 43,81%, tăng từ 4.825 – 5.949 đồng/lít (tùy loại).

Theo đó, Liên Bộ Công thương- Tài chính đã linh hoạt trong điều hành, mức tăng này thấp hơn mức tăng của xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở từ 55,6% đến 58,2%.

Tuy nhiên, tại một số kỳ điều hành gần đây, trước diễn biến giá thế giới tăng mạnh đã tác động tạo áp lực tăng giá trong nước, gây khó khăn cho công tác điều hành giá, nhất là công cụ quỹ không còn nhiều khi ước số dư quỹ chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng (một số doanh nghiệp bị âm quỹ).

Do đó, để giá xăng dầu trong nước được điều hành phù hợp với biến động giá thế giới, hạn chế sự chênh lệch giá so với các nước trong khu vực dẫn đến khả năng xuất lậu xăng dầu qua biên giới, Bộ Công thương tại kỳ điều hành xăng dầu ngày 26/10 đã đề xuất phương án điều hành giá theo hướng đảm bảo giá trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm của thế giới. Đồng thời, sử dụng công cụ quỹ ở mức hợp lý để hạn chế tăng giá các sản phẩm xăng dầu trong nước so với mức tăng cao của thế giới.

Ở kỳ điều hành gần đây nhất, từ 16h 26/10, mỗi lít xăng tăng 1.430-1.460 đồng và dầu tăng 120 - 1.010 đồng. Đây là kỳ tăng giá lần thứ tư liên tiếp từ 10/9 đến nay. Với đợt tăng giá lần này, giá xăng RON 95 đã vượt ngưỡng 24.000 đồng một lít; còn xăng E5 RON 92 vượt 23.000 đồng một lít. Cơ quan điều hành chi 1.100 đồng (nhiều hơn kỳ trước 150 đồng) từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92; RON 95 là 400 đồng.

Được biết, hiện nay nguồn cung xăng dầu từ nhà máy lọc dầu sản xuất trong nước vẫn chưa đảm bảo giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hợp đồng đã ký trước đó, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Dự báo quý IV/2021, giá xăng dầu sẽ tăng mạnh

Theo dự báo, các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong quý IV đều tăng: RON92 và RON95 sẽ ở mức 105 - 110 USD/thùng (tăng 120 - 130% so với cùng kỳ năm 2020).

Với mức giá nêu trên, ước giá cơ sở xăng dầu trong nước quý IV sẽ tăng 11,8 - 21,6% so với giá hiện hành (tùy loại).

Kinh tế thế giới dần phục hồi do dịch bệnh đươc kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân.

Tuy nhiên, hiện nay do số dư quỹ còn rất thấp, nên việc điều hành giá là rất khó khăn. Về nguồn cung mặt hàng xăng dầu, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 (lần thứ 4), nhiều địa phương trên cả nước đang dần quay trở lại trạng thái bình thường mới khiến tình hình tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa đang có dấu hiệu phục hồi và tăng mạnh.

Nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa trong những tháng cuối năm 2021, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo 2 nhà máy lọc dầu: tăng công suất, cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp. Ngoài ra, có phương án về nguồn hàng để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa trong thời gian sắp tới; chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa.

Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Đồng thời tính toán mức trích lập và chi sử dụng quỹ phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm./.

Nhiều nguyên nhân khiến giá “vàng đen” tăng phi mã

Giá xăng dầu tăng do nhu cầu vận tải và tiêu dùng tăng trở lại khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng việc kiểm soát đi lại sau thời gian dài kiểm soát chặt để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh; một số quốc gia triển khai các gói kích thích kinh tế cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.

Bên cạnh đó, việc dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức thấp làm giảm nguồn cung; các nước OPEC+ không đạt được thỏa thuận nới lỏng nguồn cung dầu thô cho thị trường; đàm phán giữa Mỹ và Iran còn nhiều trở ngại… cũng là nguyên nhân đẩy giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tiếp tục tăng.

Giá xăng dầu tăng gần 1.500 đồng/lít do áp lực giá thị trường thế giới
Giá xăng, dầu tăng mạnh từ 15 giờ chiều 11/10
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 1.122 tỷ đồng

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam