Nỗ lực đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống

Bài cuối: Sẵn sàng áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới

09:40 | 01/11/2021 Print
(TBTCO) - Hiện Tổng cục Thuế đã hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như quy định, quy trình về hóa đơn điện tử; xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể; từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử; tổ chức tập huấn cho các cục thuế; thành lập các trung tâm điều hành… Tổng cục Thuế cho biết, đã sẵn sàng triển khai hóa đơn điện tử theo quy định mới từ tháng 11/2021.
Bài 4: Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử Bài 3: Lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử 2 giai đoạn Bài 2: Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022 Bài 1: Lần đầu tiên hóa đơn điện tử được quy định trong luật

Thành lập trung tâm điều hành, tập huấn cho các cục thuế

Để triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo đúng kế hoạch, tại hội nghị trực tuyến công bố quyết định của Bộ Tài chính về việc triển khai HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố mới đây, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã yêu cầu Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) phối hợp với các vụ liên quan khẩn trương hoàn thiện tài liệu tập huấn cho cán bộ, công chức thuế.

Thực hiện chỉ đạo này, Tổng cục Thuế đã tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ về chính sách, quy trình quản lý HĐĐT, sử dụng các dịch vụ HĐĐT trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, sử dụng phần mềm quản lý HĐĐT, sử dụng dịch vụ của các Tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT…

Cùng với việc tổ chức tập huấn về những điểm mới của Thông tư 78/2021/TT-BTC về HĐĐT, tập huấn về quy trình quản lý hóa đơn, Tổng cục Thuế đã chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin để đưa trung tâm điều hành HĐĐT vào hoạt động. Ngày 25/10, Tổng cục Thuế đã công bố khánh thành 7 trung tâm điều hành triển khai HĐĐT đặt tại Tổng cục Thuế và 6 cục thuế triển khai đợt 1; tiếp nhận phần mềm ứng dụng HĐĐT từ nhà thầu.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, việc thiết lập các trung tâm điều hành trong quá trình triển khai HĐĐT là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đề ra. “Hệ thống trung tâm điều hành là bộ phận thường trực giúp Ban chỉ đạo, Tổ thường trực trong công tác tổ chức, chỉ đạo triển khai HĐĐT từ Tổng cục Thuế đến 6 cục thuế, sau này là tại 57 tỉnh, thành phố tiếp theo. 7 trung tâm này sẽ hoạt động 24/24 giờ, kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện, điều phối các hoạt động, đề xuất các biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - ông Tuấn nói.

Báo cáo về việc thành lập Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT tại cục thuế, ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, đến thời điểm này về cơ bản cục thuế, tổ chức cung cấp giải pháp đã ở trạng thái sẵn sàng cho việc kích hoạt hệ thống HĐĐT.

“Cục Thuế TP. Hà Nội cam kết với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp HĐĐT, sử dụng tối đa các nguồn lực hiện có để đồng hành với doanh nghiệp, người nộp thuế trong việc triển khai áp dụng HĐĐT, hỗ trợ xử lý toàn bộ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người nộp thuế, đảm bảo tiến độ triển khai theo lộ trình, mục tiêu đã đề ra” - ông Sơn nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền để lan tỏa đến người nộp thuế

Việc triển khai HĐĐT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng HĐĐT, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy, để đưa HĐĐT vào cuộc sống, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phối hợp với sở thông tin truyền thông, các báo đài tại địa phương để tuyên truyền kịp thời những lợi ích của việc thực hiện HĐĐT và những nội dung quy định mới về HĐĐT.

Các cục thuế phối hợp sở kế hoạch và đầu tư thông báo, hướng dẫn doanh nghiệp mới khi cấp đăng ký kinh doanh biết quyền, nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế. “Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Tổ Truyền thông (Văn phòng Tổng cục Thuế) phối hợp đẩy mạnh tổ chức công tác tuyên truyền về việc áp dụng HĐĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với cục thuế tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh” - ông Cao Anh Tuấn nói.

Phối hợp với các cơ quan để quản lý hóa đơn điện tử

Ngoài sự chủ động vào cuộc triển khai trong cơ quan thuế, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp thông báo cho các các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước và trong quá trình kinh doanh của người nộp thuế như: cục quản lý thị trường, cục hải quan, cơ quan công an... chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng thực hiện việc kết nối, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý theo quy định pháp luật ngay sau khi triển khai hóa đơn điện tử tại địa phương.

Để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu nội dung tuyên truyền cần phù hợp từng đối tượng khác nhau trong và ngoài ngành Thuế, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, liên tục trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, bám sát lộ trình triển khai.

“Cục trưởng các cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chi cục trưởng chi cục thuế có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về HĐĐT trong phạm vi địa phương mình quản lý; rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thuộc đối tượng sử dụng các loại HĐĐT theo quy định để thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT để chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng, giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế” - ông Tuấn nói.

Có thể nói, với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình về HĐĐT; xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về HĐĐT; tổ chức tập huấn cho các cục thuế; thành lập các trung tâm điều hành… cho thấy, Tổng cục Thuế đã sẵn sàng để triển khai HĐĐT theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam