Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp và thẩm định viên về giá

10:00 | 16/01/2022 Print
(TBTCO) - Sau gần 8 tháng thực hiện Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2013/NĐ-CP về thẩm định giá, công tác quản lý đối với doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá đã được tăng cường theo chiều hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, cả về việc cấp mới cho doanh nghiệp cũng như chấn chỉnh hoạt động của các thẩm định viên.
Doanh nghiệp thẩm định giá phải kịp thời chấn chỉnh các sai phạm Đã đình chỉ 6 doanh nghiệp thẩm định giá Tổ chức thành công Hội nghị thẩm định viên về giá ASEAN lần thứ 23 Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn sai phạm trong lĩnh vực thẩm định giá

Kiểm soát chặt cấp mới doanh nghiệp thẩm định giá

Nghị định số 12/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 24/2/2021 nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá.

Ngoài ra, quy định bổ sung các chế tài và điều kiện đủ mạnh nhằm siết chặt quản lý, chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên; bảo đảm hệ thống pháp luật về thẩm định giá đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp và thẩm định viên về giá
Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp và thẩm định viên về giá. Ảnh: TL.

Sau khoảng 8 tháng triển khai nghị định, bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra, nhất là trong việc quản lý chặt hoạt động cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp thẩm định giá, quản lý điều kiện hành nghề đối với các thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp thẩm định giá.

Theo đó, đã kiểm soát chặt việc cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Từ 25/9/2015, thực hiện quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho các doanh nghiệp.

Tổng kết cho thấy trong các năm qua, số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá được cấp mới tăng nhanh, nhất là năm 2016 tăng 42 doanh nghiệp, năm 2017 tăng 45 doanh nghiệp, năm 2020 tăng 98 doanh nghiệp, năm 2021 tăng 21 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, từ khi quy định về cấp mới có hiệu lực theo Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá cấp mới đã giảm đáng kể (tỷ lệ giảm 88% so với cùng kỳ 2020), cụ thể 8 tháng kể từ khi Nghị định số 12/2021/NĐ-CP có hiệu lực, chỉ có 8 doanh nghiệp được cấp mới (tháng 5 có 2 doanh nghiệp, tháng 6 có 1 doanh nghiệp, tháng 9 có 1 doanh nghiệp, tháng 10 có 1 doanh nghiệp, tháng 11 có 1 doanh nghiệp, tháng 12 có 2 doanh nghiệp).

Như vậy, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 430 doanh nghiệp được cấp mã hành nghề thẩm định giá được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (thực tế năm trong năm 2021 có 364 doanh nghiệp hoạt động).

Việc áp dụng quy định mới tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP đã góp phần thực hiện yêu cầu về siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, hướng tới nâng cao chất lượng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hiện được đánh giá là còn quá mở dẫn đến số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng vượt quá định hướng phát triển nghề giai đoạn 2013 - 2020.

Mặt khác, các quy định mới đã khắc phục được tình trạng một số cá nhân là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá do làm ăn yếu kém, chất lượng dịch vụ thẩm định giá thấp hoặc bị khiếu nại, tố cáo, họ đã giải thể doanh nghiệp cũ để trốn tránh trách nhiệm và ngay sau đó thành lập doanh nghiệp mới thì việc quy định thời gian tối thiểu để được tiếp tục là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá khác.

Rà soát, chấn chỉnh hoạt động hành nghề theo đúng quy định

Gần 1 năm thực hiện nghị định mới này, đã góp phần kiểm soát chặt hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định và việc hành nghề của các thẩm định viên về giá tại các doanh nghiệp.

Năm 2021, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã thực hiện đình chỉ hoạt động 6 doanh nghiệp (năm 2019 đình chỉ 12 doanh nghiệp, năm 2020 đình chỉ 3 doanh nghiệp) và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá của 20 doanh nghiệp (năm 2019 thu hồi 16 doanh nghiệp, năm 2020 thu hồi 18 doanh nghiệp).

Theo Cục Quản lý giá, qua rà soát điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá cho năm 2022 tại quy định Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, kết quả chỉ có 279 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2022 so với tổng số 364 doanh nghiệp hoạt động trong năm 2021 (chiếm tỷ lệ 77%, giảm 23% doanh nghiệp).

Kết quả này cũng chỉ bằng 84% so với số doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động được công bố vào đầu năm 2021 (có 333 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2021).

Qua rà soát điều kiện hành nghề của các thẩm định viên về giá tại các doanh nghiệp thẩm định giá cho năm 2022, theo quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, kết quả chỉ có 1.460 thẩm định viên về giá được phép hành nghề kể từ ngày 1/1/2022 trên tổng số 1.828 thẩm định viên hành nghề trong năm 2021 (chiếm tỷ lệ 80%, giảm 21% thẩm định viên về giá hành nghề).

Kết quả này chỉ bằng 85% so với số thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề được công bố vào đầu năm 2021 (tại Thông báo số 1079/TB-BTC ngày 31/12/2020 có 1.722 thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề từ ngày 1/1/2021).

Thời gian tới, Cục Quản lý giá tiếp tục theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, năm 2022 cục tiếp tục triển khai cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên về giá hành nghề.

Dự kiến các nội dung cập nhật như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến hoạt động thẩm định giá, phân tích các lỗi thường gặp trong thẩm định giá, nhận diện các lỗi phải chịu trách nhiệm hình sự trong thẩm định giá, các kỹ năng thu thập và phân tích thông tin phục vụ thẩm định giá, cùng một số nội dung nghiệp vụ khác và tổ chức hội nghị thường niên giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá để đối thoại và phổ biến kiến thức nghề nghiệp nhằm củng cố, chấn chỉnh hoạt động nghề theo đúng pháp luật…/.

Một số điều khoản chuyển tiếp có hiệu lực từ đầu năm 2022

Ngày 24/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2021, trong đó có điều khoản chuyển tiếp “Đến hết ngày 31/12/2021, các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ phải bảo đảm điều kiện của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc quy định tại Điều 1 nghị định này”.

Như vậy, từ ngày 1/1/2022, tất cả các nội dung quy định tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP gồm cả quy định tại điều khoản chuyển tiếp có hiệu lực.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam