Câu hỏi
1. Về chế độ phụ cấp đối với cán bộ làm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin tài chính:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề được quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, phụ cấp ưu đãi theo nghể được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương.
Như vậy, trường hợp lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc loại công việc được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước thì cán bộ làm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi. Để thực hiện việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông (là cơ quan quản lý lĩnh vực công nghệ thông tin) chủ trì, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, quyết định.
Đồng thời, tại khoản 1, Điều 11 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 nêu trên có quy định: Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các chế độ phụ cấp lương quy định tại Điều 6.
Như vậy, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc loại công việc được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước, việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề công nghệ thông tincán bộ làm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ.
2. Về tình hình thực hiện chế độ ưu đãi đối với CBCC làm công việc về công nghệ thông tin hiện nay:
Trong điều kiện lĩnh vực công nghệ thông tin chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định là lĩnh vực được hưởng chính sách ưu đãi, CBCC chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, một số địa phương đã có chính sách riêng để thu hút cán bộ công nghệ thông tin có chuyên môn, nghiệp vụ cao; theo đó mức ưu đãi cụ thể do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, tự quyết định.
Tuy nhiên, thực hiện chính sách này, các cơ quan, đơn vị không được sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước bố trí hàng năm để thực hiện chi (Theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn hiện hành thì việc chi tiêu từ NSNN phải đảm bảo chi đúng nhiệm vụ được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành) mà phải sử dụng từ các nguồn hợp pháp khác, cụ thể: (i) Đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì sử dụng từ nguồn kinh phí tiết kiệm theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ; (ii) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng từ nguồn chênh lệch thu-chi sau khi thực hiện nghĩa vụ với nhà nước theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; (iii) các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có).
3. Về chế độ phụ cấp độc hại:
Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm được quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, mức, điều kiện hưởng và hồ sơ đề nghị hưởng phụ cấp tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin nếu trực tiếp và thường xuyên làm việc ở nơi độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Thông tư này mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có văn bản đề nghị Bộ, ngành (nếu thuộc Trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu thuộc địa phương quản lý). Trên cơ sở đề nghị của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ (kèm theo hồ sơ) để trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thỏa thuận hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Hồ sơ đề nghị gồm:
- Công văn đề nghị của Bộ, ngành Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-Bản thuyết minh điều kiện lao động được cơ quan y học lao động xác nhận. Trường hợp nghề hoặc công việc đã được công nhận là nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc nghề, công việc làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm thì kèm theo danh mục nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm đã được ban hành.
- Mức hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm đề nghị được hưởng, số người đề nghị được hưởng và nguồn kinh phí chi trả, trong đó tính riêng phần quỹ do ngân sách nhà nước chi trả.
Lọc theo danh mục
- Tất cả câu hỏi
- Hỏi - đáp về chính sách tài chính
- Văn bản chính sách Hải quan mới
- Văn bản chính sách Thuế mới