Bắt kịp chuẩn mực kế toán quốc tế

Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán. Trong thời gian qua, chuẩn mực kế toán quốc tế đã có nhiều thay đổi, mặt khác cơ chế của Việt Nam cũng có thay đổi theo hướng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy Bộ Tài chính đang soạn thảo ban hành các chuẩn mực kế toán mới, thay thế các chuẩn mực kế toán trước đây.

Bo truong Dinh Tien Dung

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm cả “tổ chức nghề nghiệp kế toán”. Về đối tượng áp dụng cũng đề nghị bổ sung thêm: các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp dịch vụ kế toán; tổ chức nghề nghiệp kế toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, nguyên tắc hạch toán hiện hành vẫn có giá trị khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, theo chuẩn mực kế toán quốc tế, ngoài việc hạch toán theo giá gốc, một số tài sản còn được hạch toán theo giá trị hợp lý. Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung một số nội dung mang tính nguyên tắc như: Các tài sản sau khi hạch toán theo giá gốc có thể được điều chỉnh lại theo giá trị hợp lý (giá trị thực tế); đồng thời, có bổ sung phần giải thích từ ngữ “Giá trị hợp lý” để thống nhất cách hiểu và áp dụng luật. ...

Về chuẩn mực kế toán quốc tế, Chính phủ đề nghị vẫn giao Bộ Tài chính như hiện hành, nhưng cho phép bổ sung thêm Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Riêng về chế độ kế toán, Luật hiện hành đã khá đầy đủ; tuy nhiên, cần cho phép lữu trữ chứng từ điện tử và sổ kế toán trên các phương tiện điện tử; đồng thời, thay cụm từ “hóa đơn bán hàng” bằng cụm từ “hóa đơn” cho phù hợp với thực tế...

Về báo cáo tài chính nhà nước, đây là nội dung mới trong công tác kế toán Việt Nam, mặt khác các chỉ tiêu thống kê, đánh giá tổng hợp chưa thực sự hoàn chỉnh, vì vậy Chính phủ trình Quốc hội đưa một số nội dung mang tính nguyên tắc cơ bản trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, dự thảo còn có những quy định sửa đổi, bổ sung một số hành vi cấm, về kiểm soát nội bộ và kiểm tra kế toán, tăng cường tính công khai, minh bạch; hành nghề dịch vụ kế toán; tổ chức nghề nghiệp kế toán; quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán.

Việc sửa đổi Luật Kế toán là cần thiết

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, việc sửa đổi Luật Kế toán là cần thiết.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đánh giá, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; bổ sung nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý, báo cáo tài chính nhà nước, kiểm toán nội bộ, hành nghề kế toán, cơ quan kiểm tra kế toán; sửa đổi quy định về các điều cấm,...

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS còn cho rằng, Luật Kế toán là đạo luật mang tính chuyên ngành cao, bao quát nhiều loại hình, lĩnh vực hạch toán. Do đó, không thể chi tiết, cụ thể hóa tất cả các quy định liên quan đến công tác kế toán vào nội dung Dự thảo luật. Đối với những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành, có thể giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật. Tuy nhiên, “cần bổ sung vào Dự thảo luật những quy định mang tính nguyên tắc về chính sách, chế độ kế toán, nhất là các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính định hướng trong quá trình ban hành văn bản dưới luật”, Ủy ban TCNS lưu ý.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế./.

Duy Thái