Củng cố cục diện đối ngoại, nâng cao vị thế đất nước

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng, Bí thư Đảng uỷ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Đại hội đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025 và đúc kết các bài học kinh nghiệm.

Đồng thời thảo luận, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá về thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong tình hình mới, triển khai hiệu quả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, xây dựng Đảng bộ và ngành Ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.

Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, nhân văn, hiện đại và hiệu quả
Công bố quyết định của Đảng uỷ Chính phủ chỉ định Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 10 đồng chí. Ảnh: Quang Hòa (baoquocte.vn)

Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực hiện hợp nhất với Đảng bộ Ngoài nước, Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương và một số nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; kiện toàn giảm 2 đơn vị cấp tổng cục, giảm 16 đơn vị, khoảng 40% đầu mối cấp cục, vụ. Bộ Ngoại giao trở thành cơ quan chủ trì quản lý thống nhất và triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trên cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Với quyết tâm chính trị cao, ngành Ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bí thư Đảng uỷ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả toàn diện trên tất cả các mặt công tác, thể hiện ý chí quyết tâm cao, khát vọng lớn, tinh thần chiến đấu cao và đổi mới mạnh mẽ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng bộ Bộ Ngoại giao và ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực triển khai nghiêm túc đường lối đối ngoại và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm;

Trong đó, Đảng bộ đã lãnh đạo đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, với hơn 300 báo cáo, 300 tờ trình, 17 Nghị quyết và đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Đặc biệt, đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, một trong “bộ tứ trụ cột” làm nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Theo Thủ tướng, đối ngoại đã không ngừng củng cố “thế và lực”, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, khu vực, các nước bạn bè truyền thống, mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược; mở rộng quan hệ ngoại giao từ 189 lên 194 nước.

Qua đó, đưa tổng số đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 37 nước; lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ từ mức đối tác chiến lược trở lên đối với tất cả các nước lớn, toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và với toàn bộ các nước G7, 18/20 nước G20.

Nhấn mạnh kết quả đặc biệt nổi bật của ngoại giao vaccine, giúp Việt Nam đi sau về trước trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân, mở cửa sớm nền kinh tế, tạo tiền đề để có thành tựu phát triển kinh tế như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, trở thành nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác quốc tế.

Công tác ngoại giao văn hóa được thúc đẩy, trong đó hàng chục di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, ghi danh; thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân được triển khai tích cực, hiệu quả, kịp thời.

Nỗ lực với những cách làm mới, đột phá so với trước

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình thế giới khu vực có thể còn diễn biến phức tạp hơn, do đó, ngành Ngoại giao phải nỗ lực với những cách làm mới, đột phá so với trước.

Trong đó, Đảng bộ Bộ Ngoại giao và ngành Ngoại giao phải triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030, với tinh thần “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội ủng hộ, nhân dân mong chờ, dân tộc khát khao; chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, nhân văn, hiện đại và hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Quang Hòa (baoquocte.vn)

Thủ tướng yêu cầu ngành Ngoại giao phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trọng yếu, nòng cốt trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với tất cả các nước, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hoà bình, hợp tác, phát triển; làm sâu sắc hơn trường phái ngoại giao cây tre và phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trên mặt trận ngoại giao.

Ngành Ngoại giao phải theo dõi thường xuyên, nắm chắc tình hình khu vực và thế giới đảm bảo bao trùm, toàn diện; phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với diễn biến tình hình và tham mưu chiến lược kịp thời, không để Đảng, Nhà nước bất ngờ trước các vấn đề mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngoại giao phải coi góp phần phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; kết hợp hài hoà giữa đường lối đối ngoại và đối nội; thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn”; thực hiện “bộ tứ trụ cột” các Nghị quyết mới được Bộ Chính trị ban hành, nhất là Nghị quyết 59 về đối ngoại trong tình hình mới.

Trong đó, góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dan tộc, dân tộc hoá văn minh nhân loại và quốc tế hoá tinh hoa văn hoá dân tộc.

“Đảng bộ Bộ Ngoại giao phải xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy tinh thần dân chủ, khát vọng, đam mê, cống hiến của cán bộ ngoại giao” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đại hội đã ra mắt Ban Chấp hành khóa mới để lãnh đạo Đảng bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đồng thời công bố quyết định của Đảng uỷ Chính phủ chỉ định Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 10 đồng chí, do đồng chí Bùi Thanh Sơn làm Bí thư Đảng uỷ.