Giá dầu giảm cướp đi trên 100.000 việc làm trên thế giới

Ảnh: CNN Money

Tuy nhiên, mọi việc thay đổi quá nhanh chóng. Hiện nay, khi giá dầu rơi trong tình trạng ảm đạm và chưa có khả năng phục hồi, mối lo này không còn ý nghĩa khi chính họ phải ra tay cắt đi hàng ngàn việc làm.

Trong cuộc chiến giành thị phần, dường như Mỹ bị thiệt hại nặng nề hơn so với Saudi Arabia.

Vào tháng 1, công ty dầu mỏ khổng lồ Baker Hughes thông báo sẽ sa thải 7.000 nhân viên, tương đương với 11% lực lượng lao động của công ty. Con số đó chỉ đứng sau Schlumberger – công ty đã cắt giảm 9.000 việc làm. Các công ty dầu mỏ khổng lồ khác bao gồm Shell, Apache, Pemex và Halliburton cũng tiến hành cắt giảm lao động.

Ở Mỹ, Houston - thủ phủ hydrocarbon của thế giới, không có gì đáng ngạc nhiên sẽ gánh chịu nỗi đau lớn nhất. Nếu các công ty dầu mỏ tại Houston cắt giảm chi phí vốn 1/3 trong năm nay và 5% trong năm 2016, Houston sẽ mất 75.000 việc làm. Điều này thật sự là khủng khiếp đối với một thành phố liên tục cung cấp thêm 100.000 việc làm mỗi năm kể từ năm 2011, theo một giáo sư của trường đại học Houston.

Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những mỏ cát dầu của Canada do chi phí sản xuất cao hơn so với các nguồn khai thác thông thường. Nhiều công ty dầu mỏ tại đây đã phải cắt giảm chi phí vốn và thậm chí là “đóng băng” nhiều dự án dài hạn.

Trong tuần trước, công ty Husky Energy đã thông báo rằng 1.000 công nhân xây dựng của một nhà thầu tại dự án dầu cát Sunrise sẽ bị sa thải. Thông tin sa thải này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Husky thông báo bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống ép dầu từ cát dùng hơi nước SAGD có giá trị 3,2 tỷ USD mà Husky đồng sở hữu với BP.

Sau Husky, Suncor cũng đưa ra quyết định cắt giảm 1.000 việc làm vào tháng 1 và Royal Dutch’s Shell cũng thông báo sẽ cắt giảm gần 10% lao động ở dự án dầu cát Albian – tương đương với 300 công nhân.

Hiệp hội các nhà thầu khai thác giếng dầu Canada vào tháng 2 cho biết rằng 23.000 việc làm sẽ bị cắt giảm do số lượng các giàn khoan vận hành sụt giảm. Trước đó, kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào tháng 9 năm ngoái, khoảng 13.000 việc làm trong ngành công nghiệp tài nguyên thiên nhiên tại tỉnh Alberta của Canada, chủ yếu là dầu và khí đốt, đã bị cắt giảm.

Ác mộng cắt giảm lao động trên thực tế đang lan rộng nhanh chóng. Theo Swift Worldwide Resources, số lượng việc làm cắt giảm trong ngành năng lượng trên toàn thế giới đã tăng tới trên 100.000 do những trung tâm dầu mỏ đã từng rất sôi động ở Scotland, Úc và Brazil và rất nhiều quốc gia khác ngày càng trở nên ảm đạm.

Một ví dụ điển hình là các kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài với lời hứa hẹn sẽ làm việc ở các nhà máy của LNG ở Úc đã “biến mất”, vì dự án này bị trì hoãn. Các dự án phát triển ở Brazil cũng bị tạm dừng, gây ra hàng loạt trường quốc tế đóng cửa và công nhân phải di rời. Khoảng 8.000 công nhân Mexico cũng bị thôi việc không được trả lương, sau khi Petroleos Mexicanos cắt giảm hợp đồng và mua hàng, trang Bloomberg cho biết.

Tất nhiên, những người biện hộ cho nền công nghiệp dầu mỏ cho rằng, nền công nghiệp này bùng nổ và đổ vỡ theo lẽ tự nhiên và hầu hết các “ông lớn” trong ngành đã trải qua nhiều chu kỳ suy thoái và tiếp tục tồn tại. Câu hỏi được đặt ra là giá dầu có phục hồi không và khi nào?

Cắt giảm lao động trong thời kỳ khủng hoảng là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, cắt giảm quá nhiều có thể trở thành mối nguy hiểm, bởi điều này có thể đẩy các công ty vào tình huống tương tự những năm 1980, khi mà sự suy thoái của ngành công nghiệp dầu mỏ dẫn đến việc nhiều người mới tốt nghiệp sẽ lựa chọn làm việc trong những ngành hứa hẹn hơn, dẫn đến chênh lệch tài năng./.

Mai Linh (Theo CNN Money)