![]() |
Trang bìa cuốn "Phía Nam sông Bến Hải" và "Giọt sương bên cửa sổ". Ảnh PV |
Tôi làm việc cùng cơ quan với anh Nguyễn Văn Á khá nhiều năm tại Thời báo Tài chính Việt Nam, nhưng nội tâm con người anh tôi biết rất ít. Chỉ đến khi được anh mời dự buổi ra mắt 2 cuốn sách và trân trọng đọc nó, tôi mới hiểu thêm về anh. Một cậu bé mồ côi mẹ từ năm lên 6 tuổi dựa vào hơi ấm của cha để lớn lên trong vất vả. Một chàng trai 3 lần viết đơn tình nguyện ra mặt trận, dù đã nhận giấy báo đi học nước ngoài. Một người chiến sỹ dũng cảm giữa đạn bom khói lửa của chiến trường Quảng Trị. Một người cựu chiến binh đau đáu với việc tìm người thân, đồng đội là liệt sỹ… Trong con người anh chất chứa bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu ký ức vừa hào hùng vừa bi tráng không chỉ của cá nhân anh, của một tập thể, mà của cả dân tộc. Anh giống như con tằm “rút ruột nhả tơ”, chắt lọc từ mấy chục năm đời mình để cho ra những đứa con tinh thần là tập truyện ký mang tên “Phía Nam sông Bến Hải” và tập thơ “Giọt sương bên cửa sổ”.
![]() |
Tác giả Nguyễn Văn Á. |
Hóa ra sự ra đời của cuốn truyện ký, tập thơ đó là một nhu cầu bức bách tự thân, những tác phẩm đó đã được anh thai nghén từ lâu, mà nếu không cho xuất bản được, chắc tâm can anh chưa thể nào yên. Đó là những điều đã dồn nén trong lòng cả một đời người lính, người cầm bút, đòi hỏi phải được nói ra, được chia sẻ, được trải lòng.
Cuốn truyện ký dày dặn hơn 400 trang giấy đã đưa tôi về một miền ký ức của quê hương Việt Nam, từ những năm 60, đến những năm đấu tranh ác liệt với Mỹ - Ngụy để giành chiến thắng thống nhất đất nước, rồi thời kỳ hậu chiến.
Với giọng văn chân chất bình dị, không hề màu mè, khiến người đọc có sự đồng cảm tức thì, anh Nguyễn Văn Á chậm rãi đưa mọi người về với vùng ký ức thân thương ai cũng có, đó là tuổi thơ. Nhưng anh có một tuổi thơ dữ dội khi mẹ mất anh còn quá nhỏ, các anh em phải ly tán. Chỉ mấy trang viết thôi, nhưng nỗi khổ của đứa bé mất mẹ, gia đình nghèo túng đã khiến người ta phải xót xa quặn lòng. Không xót xa sao được khi cậu bé ấy nhìn sang hàng xóm thấy trẻ con được mẹ tắm gội, chăm sóc đã nhớ mẹ đến rơi nước mắt… Cảnh nhà “gà trống nuôi con” và hình ảnh người cha cũng được ngòi bút tác giả khắc họa khá sâu. Anh viết về cha: “Một người cha chịu thương chịu khó chăm cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, không dám đi bước nữa vì sợ các con phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Một người cha lặng lẽ thắt từng khúc ruột lần lượt tiễn 4 người con ra trận, để đến ngày miền Nam giải phóng đón về 2 đứa con thương binh, 2 đứa con liệt sỹ. Một người cha bao lần lặng lẽ khóc con bên bàn thờ nghi ngút khói hương”…
Cuốn truyện ký cũng đưa người đọc đồng hành cùng tác giả trong những chuyến đi tìm hài cốt của người anh trai là liệt sỹ, thực hiện tâm nguyện của bản thân và cũng là thực hiện cho được lời trăng trối của cha “Phải tìm bằng được mộ anh”, trước khi cha nhắm mắt. Trong tay không còn di vật nào của người anh để lại, nhưng tác giả vẫn mang theo ba lô có bánh chưng cha gói đưa cho, cuốn sổ tay, bi đông nước, đi khắp các nghĩa trang Nghệ An, Hà Tĩnh để tìm mộ anh mình. Đến đâu anh cũng tìm hiểu rất kỹ và để lại địa chỉ của mình với niềm hy vọng mong manh, để rồi sau 22 năm tìm kiếm, như một phép màu, anh đã đạt được nguyện vọng đưa hài cốt của anh trai về lại quê nhà.
Câu chuyện tìm hài cốt liệt sỹ trên đây nhận được sự đồng cảm của người đọc, bởi nó là câu chuyện không chỉ của riêng gia đình anh mà đã thành mối quan tâm chung của biết bao gia đình có người thân là liệt sỹ, đặc biệt là liệt sỹ còn chưa tìm được mộ, mối quan tâm của cả dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhiều mất mát sau chiến tranh. Anh viết: “Bất chợt tôi tự hỏi, những liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở nước bạn Lào, Campuchia vì nghĩa vụ quốc tế cao cả; những liệt sỹ hy sinh trên con đường mang tên Bác trong đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ; hoặc đâu đó giữa chiến trường miền Nam sẽ còn mất bao năm nữa mới tìm thấy hài cốt để đưa về quê hương xứ sở?”. Chính câu hỏi ấy đã thôi thúc trong lòng cựu chiến binh, nhà báo Nguyễn Văn Á sau này luôn có những việc làm nghĩa tình, tri ân với đồng đội đã hy sinh và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong cuốn Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải”, nội dung chính chiếm phần lớn tác phẩm chính là nhật ký chiến tranh của anh và đồng đội. Nói về phần này, tôi tâm đắc với nhận xét của nhà văn Phạm Vân Anh khi chị viết lời tựa cho cuốn sách: “Không chỉ là một vùng ký ức chân thực của một cựu chiến bình đã có những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trên nhiều mặt trận để đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, tập truyện ký còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc. Qua “Phía Nam sông Bến Hải”, ta sẽ thấy nỗi đau của người lính trận trào lên trang viết, sẽ thấm thía sâu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và vết thương hậu chiến không thể nào lành lại. Nhưng cũng qua đó, ta thấu hiểu được cái giá của hòa bình không thể lượng hóa bằng những con số hay miêu tả bằng từ ngữ…, ta tự hào biết mấy về dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Qua “Phía Nam sông Bến Hải”, ta sẽ thấy nỗi đau của người lính trận trào lên trang viết, sẽ thấm thía sâu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và vết thương hậu chiến không thể nào lành lại. Nhưng cũng qua đó, ta thấu hiểu được cái giá của hòa bình không thể lượng hóa bằng những con số hay miêu tả bằng từ ngữ…, ta tự hào biết mấy về dân tộc Việt Nam anh hùng”. |
Chiến tranh luôn gây ra nỗi đau. Đúng là máu và nước mắt đã thấm đẫm vào trang viết. Nhưng vẫn còn đó sự kiêu hùng của người chiến sỹ đã ghi nhiều chiến công, của một dân tộc đã làm nên chiến thắng. Và cuốn sách không hề khô khan khi đã có những trang viết rất đẹp về tình yêu. Tác giả đã chia tay với người yêu khi tình cảm đang nồng thắm để lên đường nhập ngũ. Cô gái anh yêu đã tặng anh chiếc gối, chiếc khăn tay thêu đôi chim bồ câu – kỷ vật mà thời đó trai gái thường tặng nhau coi như tín vật đính ước… Một mối tình thật đẹp, mà vì yêu hòa bình nên phải chia ly, vì mục tiêu cao cả ra đi chiến đấu bảo vệ cho quê hương đất nước!
Cuộc “chia ly màu đỏ” ấy đã khiến chàng lính trẻ bật lên bài thơ “Thái Hòa ơi”, chép vào cuốn sổ tay làm kỷ niệm những ngày ra trận, bài thơ này được chép trong Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” và đăng trong tập thơ “Giọt sương bên cửa sổ” của anh. Bài thơ của tâm hồn tân binh non trẻ, nhưng đã có những câu thơ khá gợi như:
“Mưa dúng dắng níu chân người ở lại
Biết là chẳng gần nhau được mãi
Mà giọt buồn lặng níu bờ mi
Em có nghe gió nói câu gì
Trong xóm nhỏ một thời mong đợi
Trong xóm nhỏ một thời sôi nổi
Nụ hôn nào năm tháng vẫn còn say…”.
Trong tập thơ Giọt sương bên cửa sổ còn có những bài thơ khá xúc động, đặc biệt là viết về tình yêu, viết về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, viết về miền Trung quê anh. Có thể kể đến như bài Vợ lính, Có một miền Trung lụt bão trong tôi, Em có về thăm lại mái nhà xưa, Mẹ đừng buồn, Con xin ở lại nơi này…
Một bài báo nhỏ không thể gói hết những cảm xúc, suy tư khi đọc 2 tác phẩm của anh Nguyễn Văn Á – một con người chân chất, nặng lòng với đồng đội, với quê hương. Hy vọng 2 tác phẩm này sẽ khơi dòng chảy thơ văn trong nhà báo, cựu chiến binh Nguyễn Văn Á, để anh tiếp tục khai sinh những đứa con tinh thần mới.
Tác giả Nguyễn Văn Á sinh năm 1952, quê ở làng Văn Giang (nay là thôn Đại Thịnh), xã Sơn Thịnh (nay là An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình, anh Nguyễn Văn Á tâm sự, tuy quê nội ở làng Văn Giang, nhưng do hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, cha mẹ anh đã lấy xóm Bồng Châu, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để an cư lập nghiệp. Đi qua 3 cuộc chiến (chống đế quốc Mỹ, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, bảo vệ biên giới phía Bắc), bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp như đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí xây dựng các công trình khu tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Á đã dùng văn chương để tri ân cuộc đời, tri ân người có công với nước./. |