Đây là nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2015, cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc Hà Nội (NEU) dân tổ chức ngày 13/1, tại Hà Nội.

Nhiều điểm sáng ấn tượng

PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Bộ môn Kinh tế vi mô, (NEU) cho biết, nhìn lại năm 2015 có thể thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2015 đạt cao nhất trong 5 năm giai đoạn 2011-2015 (6,8%), cao hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đặt ra (6,2%), thậm chí GDP quý 4/2015 đã lên tới 7,01% (bằng mức bình quân năm của giai đoạn 2006-2010). Kết quả vượt trội của năm 2015 đã làm cho tăng trưởng bình quân năm giai đoạn 2011-2015 đạt 5,91%. Với kết quả đó, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đã đánh giá kinh tế Việt Nam là “ánh sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi.

Với tổng mức GDP đạt cao nhất, nên mức và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của năm 2015 cũng có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 bằng 1,4 lần so với năm 2011, tốc độ tăng bình quân về thu nhập bình quân đầu người đạt 8% của cả giai đoạn 2011-2015. Đi đôi với sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người nhanh, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với một số nước trong khu vực có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, lạm phát được giữ ở mức thấp. CPI tháng 12/2015 chỉ tăng 0,6% so với tháng 12/2014. Đây là mức thấp nhất trong 14 năm qua, thấp hơn mức 0,8% của năm 2001 và cao hơn mức âm 0,6% của năm 2000, mức tăng 0,1% của năm 1999. Đồng thời, cán cân thanh toán tương đối ổn định, lãi suất ngân hàng giảm mạnh…

Tuy nhiên, theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, NEU, bên cạnh các tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế là rào cản cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, đặc biệt là nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Trước hết, kinh tế vẫn mang nặng tính chất tăng trưởng nhờ vào gia công với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành (GO) lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào gia công, chủ yếu dựa trên lợi thế về lao động rẻ.

“Nếu ví nền kinh tế như một dòng sông chảy thì tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn GDP đã phản ánh một hiện tượng đang không bình thường trong nền kinh tế Việt Nam, theo đó, “thượng nguồn” đang bị khô còn “hạ nguồn” thì lại ngập”, ông Lợi nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Diệu Thiện

Bên cạnh đó, xét theo khu vực kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng năm 2015 chủ yếu là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó khu vực trong nước, nhất là khu vực tư nhân có tốc độ tăng trưởng thấp. Trong số 0,86 điểm phần trăm gia tăng tốc độ tăng trưởng năm 2015 thì khu vực FDI đóng góp 0,5 điểm phần trăm (chiếm 60%). Khu vực nhà nước hiệu quả hoạt động thấp nhưng lại vẫn chi phối tới ¼ tăng trưởng GDP…

Ngoài ra, cấu trúc đầu vào của tăng trưởng vẫn mang nặng tính chất tăng trưởng theo chiều rộng, hơn nữa, lại là tăng trưởng nhờ vào đầu tư. “Động lực tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua vẫn chủ yếu là yếu tố nguồn lực vật chất (vốn và lao động), đóng góp 76% trong cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào. Điều này không hợp lý khi mô hình tăng trưởng Việt Nam xác định trong giai đoạn hiện nay hướng đến là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu hay ít nhất là sự kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu”, ông Lợi nói.

Chú trọng chất lượng tăng trưởng

Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết, những kết quả kinh tế đáng khích lệ của năm 2015 đặt một nền tảng vững chắc, ổn định cho nền kinh tế bước vào kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Theo đó, dự báo năm 2016, các yếu tố tích cực tiếp tục khởi sắc như mức tăng trưởng GDP của năm 2016 dự kiến sẽ tương đương hoặc cao hơn 0,1–0,2 điểm phần trăm so với năm 2015. Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn tăng trưởng GDP với mục tiêu lạm phát đặt dưới mức 5%; đồng thời, chính sách tiền tệ sẽ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô…

Để tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt hướng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng, theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong năm 2016 cũng như những năm tiếp theo.

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng Việt Nam và tái cơ cấu nền kinh tế phải được tiếp tục thực hiện một cách cấp bách và quyết liệt. Mô hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cần được xác định là mô hình tăng trưởng bền vững, hiệu quả dựa trên cơ sở khai thác tốt nhất các lợi thế cạnh tranh quốc tế, các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu, vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường…

Bên cạnh đó, theo ông Tô Trung Thành, cần tạo những điều kiện để kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân tự đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, cùng phát triển với các khu vực kinh tế khác và trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngoài ra, cần bảo đảm các nguồn lực thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng như bảo đảm vốn đầu tư; có chính sách đột phá phát triển công nghệ thông qua con đường chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai trong nước; đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao…./.

Thiện Trần