Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm 2025 ghi nhận sức bật mạnh mẽ Infographics: 133.011 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025 |
Phát hành trái phiếu quý II bật tăng
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bước qua giai đoạn điều chỉnh, thị trường trái phiếu và dòng vốn đầu tư tại Việt Nam lại chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong quý II/2025.
Theo bà Dương Kim Anh – Giám đốc Khối Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF), thị trường trái phiếu riêng lẻ đã ghi nhận sự tăng trưởng trong quý II, với tổng khối lượng phát hành lên đến gần 220.000 tỷ đồng – tăng mạnh từ mức 2.000 tỷ đồng trong quý I.
“Sự tăng trưởng này không phải do yếu tố bất thường, mà chủ yếu đến từ việc công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Trong quý I, phần lớn doanh nghiệp chưa hoàn tất báo cáo kiểm toán nên chưa thể phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 và đặc biệt trong tháng 4 và tháng 5, hoạt động phát hành sôi động trở lại khi điều kiện pháp lý được đáp ứng đầy đủ” – bà Kim Anh lý giải.
![]() |
Dù vậy, cấu trúc phát hành cho thấy, phần lớn lượng trái phiếu phát hành đến từ các tổ chức tín dụng. Bà Kim Anh chỉ ra rằng, các ngân hàng đã tận dụng cơ hội mặt bằng lãi suất thấp để phát hành cả trái phiếu ngắn hạn nhằm tăng vốn lưu động, và trái phiếu dài hạn từ 7 - 10 năm để bổ sung vốn cấp hai, qua đó mở rộng dư địa giải ngân tín dụng. Đây là bước đi chiến lược khi tín dụng toàn hệ thống có dấu hiệu phục hồi mạnh trong quý II.
Dù ghi nhận tăng trưởng tích cực ở kênh phát hành riêng lẻ, chuyên gia từ VCBF chỉ ra rằng lượng trái phiếu phát hành ra công chúng vẫn còn khá dè dặt. Tổng lượng phát hành mới trong 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm hơn 10% so với trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, hơn 80% vẫn đến từ nhóm ngân hàng. |
Về diễn biến trái phiếu đáo hạn, bà Kim Anh đánh giá áp lực đáo hạn trái phiếu trong hai quý cuối năm 2025 là không quá đáng ngại. Tổng lượng trái phiếu đến hạn thanh toán ước tính vào khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, trong đó chỉ khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng đến từ khối ngoài ngân hàng.
“Phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán hiện nay đều là các tổ chức từng có lịch sử nợ xấu. Các đợt phát hành mới được giám sát chặt chẽ hơn và ghi nhận ít trường hợp rủi ro. Tuy nhiên, sang năm 2026, áp lực đáo hạn dự báo sẽ gia tăng, đặc biệt trong khối ngân hàng, khi các trái phiếu dài hạn phát hành trước đó dồn về kỳ đáo hạn” – bà Kim Anh nhận định.
Đáng chú ý, thị trường hiện đang kỳ vọng vào các cải cách chính sách có thể mở rộng không gian phát triển cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một trong những đề xuất quan trọng là sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, nhằm hợp nhất quy trình phát hành và niêm yết trái phiếu ra công chúng.
“Việc tinh giản quy trình này sẽ giúp tăng tốc độ đưa trái phiếu lên sàn, từ đó nâng cao tính thanh khoản và khả năng tiếp cận của nhà đầu tư” – bà Kim Anh nhấn mạnh.
Đồng thời, đề xuất sửa đổi Thông tư 98/2020/TT-BTC cũng đang được cân nhắc. Theo đó, các quỹ đầu tư có thể được phép nâng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ từ mức tối đa 10% hiện nay lên khoảng 20%, với điều kiện trái phiếu có bảo lãnh thanh toán hoặc cam kết mua lại. Những điều chỉnh này, nếu được thông qua, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ mở mở rộng danh mục và nâng cao hiệu suất đầu tư.
Kinh tế phục hồi trên diện rộng
Trong khi đó, ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế tiếp tục cho thấy nhiều điểm sáng. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Kinh tế trưởng VCBF, mức tăng trưởng GDP quý II/2025 đạt 7,96% – cao nhất trong nhiều năm qua nếu loại trừ giai đoạn phục hồi sau dịch năm 2022. Tăng trưởng này đến từ sự phục hồi toàn diện của các trụ cột kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng đến dịch vụ.
![]() |
Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là tiền đề quan trọng để kinh tế năm 2025 hoàn thành mục tiêu đề ra. Ảnh: Đức Thanh. |
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,8% trong quý II, góp phần vào mức tăng trưởng xuất khẩu 18% – cao hơn hẳn mức 11% của quý I. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu khi chỉ số PMI cho thấy xu hướng thu hẹp đơn hàng xuất khẩu trong phần lớn nửa đầu năm.
Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 8,5% trong quý II. Doanh thu từ khách quốc tế và bán lẻ trong nước đều tăng trưởng tích cực, dù tốc độ có phần chững lại so với đầu năm. Đầu tư công là điểm sáng vượt trội, với mức giải ngân trong quý II tăng tới 74% so với cùng kỳ, trong khi vốn FDI phục hồi mạnh từ tháng 5 trở đi.
Lạm phát trong tầm kiểm soát và chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng là những yếu tố hỗ trợ môi trường đầu tư. CPI 6 tháng đầu năm ở mức 3,3%, thấp hơn mục tiêu 4–4,5%. Tỷ giá USD/VND tăng gần 3%, song được đánh giá sẽ ổn định trở lại nếu Fed hạ lãi suất và môi trường thương mại toàn cầu lắng dịu. Các yếu tố này, kết hợp với chính sách tài khóa linh hoạt và cải cách thể chế, đang góp phần củng cố nền tảng tăng trưởng trong nửa sau năm 2025.
Toàn cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính cho thấy, sự hồi phục đang chuyển hóa thành tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, như chính sách thương mại toàn cầu và xu hướng lãi suất quốc tế, vẫn là những ẩn số cần được giám sát chặt chẽ.
Trong bối cảnh đó, các điều chỉnh chính sách kịp thời, nhất là với thị trường trái phiếu và cấu trúc đầu tư, sẽ giữ vai trò then chốt để duy trì đà phục hồi ổn định và lan tỏa sang các khu vực kinh tế khác.
Nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Triệu Vinh – Phó Giám đốc Khối Đầu tư, Giám đốc Đầu tư Cổ phiếu VCBF cho rằng, nền kinh tế có nhiều dư địa tăng trưởng nhờ động lực nội tại, đặc biệt là đầu tư công. Ngân sách thặng dư, nợ công ở mức an toàn (36–37% GDP) tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tăng trưởng cả ngắn và dài hạn, nhất là du lịch. Chính sách tài khóa – tiền tệ tiếp tục duy trì trạng thái hỗ trợ, với lãi suất thấp và thuế VAT được gia hạn giảm đến hết 2026. Chuyên gia từ VCBF nhận định, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt từ quý IV khi dòng vốn ngoại chuyển hướng phục vụ sản xuất trong nước. |