Infographics: Khoảng 149.439 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025 Gần 47.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong tuần qua

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6/2025 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ với giá trị phát hành lên tới 105.500 tỷ đồng, tăng 52,4% so với tháng trước, toàn bộ đều là phát hành riêng lẻ và không có trường hợp phát hành ra công chúng. Theo thống kê từ FiinGroup, đây là tháng có giá trị phát hành cao nhất trong nửa đầu năm và là điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2025.

Luỹ kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 248.600 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm áp đảo với 88,8% tổng lượng phát hành (+72,4%), còn phát hành ra công chúng chiếm 11,2% (+62,3%).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm 2025 ghi nhận sức bật mạnh mẽ

Lãi suất phát hành tiếp tục duy trì ở mức ổn định. Các tổ chức tín dụng phát hành với lãi suất trung bình khoảng 5,5%, trong khi nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng chấp nhận mức lãi suất cao hơn, trung bình khoảng 9,8% trong tháng. Kỳ hạn phát hành tương ứng là 3,6 năm đối với tổ chức tín dụng và 2,4 năm với doanh nghiệp ngoài ngân hàng. Trong cả 6 tháng đầu năm, các chỉ số này hầu như không thay đổi đáng kể: tổ chức tín dụng duy trì lãi suất trung bình 5,5% với kỳ hạn 3,7 năm, còn doanh nghiệp phi ngân hàng phát hành với lãi suất 9,9% trong kỳ hạn trung bình 3,4 năm.

Về cơ cấu phát hành, tổ chức tín dụng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo với tỷ trọng vượt trội, chiếm đến 83,2% tổng giá trị phát hành trong tháng 6. Động lực phát hành đến từ nhu cầu cân đối thanh khoản giữa bối cảnh tín dụng tăng trưởng 8,3% nhưng huy động vốn chỉ tăng 6,1%. Đây cũng là lý do khiến thị trường trở nên đặc biệt sôi động trong nửa đầu năm, khi 76% giá trị phát hành đến từ nhóm tổ chức tín dụng.

Ngược lại, nhóm doanh nghiệp phi tài chính chiếm 24% tổng lượng phát hành, tuy có phần suy giảm về tỷ trọng nhưng vẫn ghi nhận mức phục hồi nhẹ về giá trị (+17,1% so với cùng kỳ năm ngoái).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm 2025 ghi nhận sức bật mạnh mẽ

Hoạt động mua lại trái phiếu trong tháng 6 cũng diễn ra sôi động với tổng giá trị lên tới 48.700 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với tháng trước và gần gấp đôi cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh nghiệp thuộc nhóm tổ chức tín dụng dẫn đầu hoạt động mua lại, chiếm tới 80,5% tổng giá trị, tiếp theo là bất động sản với 6,0%. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị mua lại đạt 110.000 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự chi phối của nhóm tổ chức tín dụng (55%) và bất động sản (22,1%).

Trong nửa cuối năm, thị trường trái phiếu sẽ đối mặt với áp lực đáo hạn lớn khi có tới 125.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, trong đó riêng nhóm bất động sản chiếm tới 53%, tổ chức tín dụng là 22,4% và thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 8%. Đây cũng chính là giai đoạn đáo hạn mới của phần lớn các doanh nghiệp đã từng gia hạn trái phiếu theo Nghị định 08 trước đó.

Trên thị trường thứ cấp, tháng 6 ghi nhận tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 137.100 tỷ đồng, tăng 19% so với tháng trước. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày cũng tăng 13,4%, lên mức 6.530 tỷ đồng – cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tính chung 6 tháng, tổng thanh khoản đạt trên 651.000 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2024.

Ngành ngân hàng và bất động sản tiếp tục là hai đầu tàu về giá trị giao dịch, chiếm lần lượt 45,5% và 31,8% trong 6 tháng đầu năm. Trong khi giá trị giao dịch của nhóm ngân hàng gần như đi ngang so với cùng kỳ, thì nhóm bất động sản ghi nhận mức tăng thanh khoản đáng kể tới 37,6%.

Riêng trong tháng 6, giao dịch trái phiếu ngân hàng đạt 56.300 tỷ đồng (giảm 11% so với tháng trước nhưng vẫn giữ tỷ trọng cao nhất – 41,1%), trong khi trái phiếu bất động sản tăng trưởng ấn tượng hơn 26%, đạt 40.500 tỷ đồng (chiếm 29,6%).