dt

Ảnh tư liệu minh họa

Nhiều mẫu biểu hiệu quả sử dụng thấp

Trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ Tài chính nêu rõ, thực hiện quy định của Luật ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và Nghị quyết số 1022 năm 2015 của UBTVQH về kế hoạch soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2015); Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của UBTVQH để thay thế cho Quy chế ban hành kèm theo Nghị quyết số 387 năm 2003 của UBTVQH về quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm.

Lý giải về sự cần thiết và căn cứ pháp lý ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, sau gần 14 năm, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 387, tuy nhiên quy chế ban hành kèm theo Nghị quyết này đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, có những mẫu biểu được ban hành nhưng hiệu quả sử dụng thấp.

Bộ Tài chính đơn cử, theo quy định của Nghị quyết 387, Chính phủ xây dựng và báo cáo UBTVQH cho ý kiến về phương án sử dụng tăng thu NSTW so với dự toán được giao trước ngày 28/2 năm sau.

Nhưng trên thực tế, do việc xác định và xây dựng phương án sử dụng số tăng thu NSTW hằng năm cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan nên thời gian kéo dài, dẫn đến không đảm bảo thời hạn so với quy định (thường vào các tháng 4, 5 năm sau).

Nghị quyết 387 quy định 38 mẫu biểu báo cáo ra UBTVQH, trong đó có 26 mẫu biểu kèm theo các báo cáo trình Quốc hội và 12 mẫu biểu dùng để thuyết minh thêm.

Trên thực tế thì, tổng số mẫu biểu kèm theo các báo cáo trình Quốc hội hằng năm là 37 mẫu biểu. Tuy nhiên, chỉ sử dụng 24 mẫu biểu theo quy định của Nghị quyết 387, bổ sung thêm 13 mẫu biểu khác.

Bên cạnh đó, một số mẫu biểu báo cáo quy định của Nghị quyết 387 đã phải điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp, như: các mẫu biểu về cân đối ngân sách được bổ sung thêm các chỉ tiêu: dự toán năm hiện hành, thu chi chuyển nguồn, chỉ tiêu so sánh về số tuyệt đối, chi tiết thêm các chỉ tiêu về chi NSĐP (chi cân đối, chi bổ sung có mục tiêu...);

Các mẫu biểu về thu ngân sách được bổ sung, cập nhật thêm các sắc thuế theo quy định của các Luật thuế, chính sách thu đến thời điểm hiện nay;

Các mẫu biểu về chi ngân sách cũng được bổ sung, cập nhật các chỉ tiêu báo cáo về các chương trình mục tiêu quốc gia (số lượng chương trình mục tiêu quốc gia giảm so với trước đây), bỏ một số chỉ tiêu (chương trình 135, dự án 5 triệu ha rừng,...).

Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật NSNN (Luật NSNN năm 2015) thay thế cho Luật NSNN năm 2002, với nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH về NSNN, trình tự thời gian lập báo cáo, cũng như trách nhiệm và nội dung báo cáo của Chính phủ; trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:

Thẩm quyền quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa NSTW và ngân sách từng địa phương là của Quốc hội thay cho UBTVQH.

Thẩm quyền quyết định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN là của UBTVQH, thay cho Thủ tướng Chính phủ.

Thẩm quyền quyết định phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW là của UBTVQH, thay cho việc UBTVQH cho ý kiến về phương án do Chính phủ trình.

Bên cạnh việc báo cáo dự toán NSNN và phân bổ NSTW hằng năm, trước năm đầu của thời kỳ kế hoạch, Chính phủ đồng thời xây dựng, trình Quốc hội kế hoạch tài chính 5 năm. Ngoài ra, còn xây dựng báo cáo kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm để Quốc hội tham khảo khi quyết định dự toán NSNN hằng năm.

Ngoài ra, trình tự thời gian báo cáo dự toán và quyết toán được đẩy sớm hơn khoảng 10-20 ngày so với quy định cũ; Chính phủ báo cáo UBTVQH báo cáo quyết toán NSNN chậm nhất 16 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách...

Làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan

Theo Bộ Tài chính, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng để làm rõ hơn cơ chế phối hợp, tham gia giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình lập dự toán NSNN, xây dựng phương án phân bổ NSTW, tổ chức điều hành dự toán NSNN, lập báo cáo quyết toán NSNN; đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Dự thảo Nghị quyết gồm 5 chương và 20 Điều, trong đó có quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc chung, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ quan có liên quan của Chính phủ với các cơ quan có liên quan của Quốc hội, cũng như bảo đảm đúng về thẩm quyền, nội dung, trình tự, thời hạn trong quá trình tổ chức lập, thẩm tra, cho ý kiến, thông qua đối với các báo cáo: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và quyết toán NSNN hằng năm; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN; bổ sung dự toán số tăng thu NSNN và phân bổ, sử dụng số tăng thu và số tiết kiệm chi của NSTW...

So với Nghị quyết số 387, dự thảo nghị quyết được biên tập, bố cục lại theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung Kiểm toán nhà nước vào đối tượng áp dụng, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan.

“Nghị quyết này quy định nhiệm vụ của Chính phủ trong việc tổ chức lập; nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra; nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước trong việc trình Quốc hội và tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ xem xét, thẩm tra; UBTVQH quyết định hoặc cho ý kiến...”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết 387 đối với các nội dung lập dự toán NSNN, lập phương án phân bổ NSTW, lập quyết toán NSNN hằng năm; dự thảo nghị quyết cũng bổ sung hoặc làm rõ thêm một số nội dung như lập kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Đây là nội dung mới theo quy định của Luật NSNN năm 2015, trong đó nội dung của kế hoạch gồm: tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính - NSNN 05 năm giai đoạn trước. Xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính – NSNN phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn sau; các định hướng lớn về tài chính - NSNN; huy động và phân phối các nguồn lực; cơ cấu NSNN. Xác định khung cân đối thu, chi NSNN và giới hạn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; định hướng đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, quản lý bền vững nợ công 05 năm giai đoạn sau. Dự báo rủi ro, tác động đến thu, chi, bội chi NSNN và nợ công; các giải pháp tổ chức thực hiện.

Bộ Tài chính cũng cho biết, thêm một điểm mới trong nghị quyết là đã điều chỉnh thời hạn báo cáo phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu và số tiết kiệm chi của NSTW phù hợp với tình hình thực tế./.

Dự thảo quy định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 đối với việc lập, thẩm tra, trình Quốc hội dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN; từ năm ngân sách 2021 đối với việc lập, thẩm tra, trình Quốc hội kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; riêng việc lập, thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015, 2016 vẫn áp dụng theo quy định của Nghị quyết số 387, phù hợp với quy định tại Luật ngân sách nhà nước năm 2015.

H.M