Cổ phiếu lao dốc hàng loạt

Sự hỗn loạn đã đặt ra những câu hỏi về tương lai của các ngân hàng, cho thấy một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng bắt đầu từ hai tháng trước với sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Ngân hàng Signature và gần đây nhất, là việc tịch thu và bán Ngân hàng First Republic.

PacWest và Western Alliance, 2 ngân hàng khu vực cũng đang ở trong tâm bão, bất chấp sự khẳng định từ các công ty mẹ rằng tài chính của họ vẫn vững chắc. Cổ phiếu của PacWest đã mất 50% giá trị vào ngày 4/5/2023 và Western Alliance đã giảm 38% trong cùng ngày. Các ngân hàng hạng trung khác, bao gồm Zions và Comerica cũng công bố tỷ lệ phần trăm giảm tới hai con số. Ngay cả các ngân hàng lớn nhất của Mỹ cũng đã giảm vào ngày 4/5. JPMorgan Chase giảm 1% và Bank of America giảm 3%.

Giá cổ phiếu của Western Alliance đã giảm 38% vào ngày 4/5/2023.
Giá cổ phiếu của Western Alliance đã giảm 38% vào ngày 4/5/2023.

Các nhà phân tích cho biết, mối đe dọa trực tiếp nhất mà các ngân hàng phải đối mặt là khủng hoảng niềm tin. Các tiêu đề về giá cổ phiếu tăng vọt của họ có thể khiến người gửi tiền hoảng sợ và nâng cao cảnh giác về hoạt động của các ngân hàng.

Cổ phiếu của PacWest và Western Alliance đã bị tạm dừng giao dịch hàng chục lần vào ngày 4/5, do mức giá dao động lớn đã vi phạm các quy định giao dịch chứng khoán được đưa ra để ngăn chặn việc bán tháo vượt khỏi tầm kiểm soát. Tình trạng hỗn loạn cũng làm dấy lên bóng ma về hành động phối hợp của những người bán khống, những người giao dịch đặt cược vào việc giá cổ phiếu giảm và đôi khi bị đổ lỗi cho việc gây ra biến động thị trường.

Chiến dịch chứng minh niềm tin

Justin D'Ercole, người sáng lập ISO-mts Capital Management, một quỹ tập trung vào ngân hàng cho biết, các giao dịch ngày 4/5 là "đặc biệt hoảng loạn" và "thái quá". Ông nói: “Có rất nhiều lo lắng về các ngân hàng này mà không có nhiều lý do”.

Còn Julian Wellesley - nhà phân tích ngân hàng tại Loomis Sayles cho biết: “Các nhà đầu tư tổ chức đã mất niềm tin vào các ngân hàng”. Điều đó gây bối rối cho chính các ngân hàng, cho thấy rằng tuyên bố của họ về sức khỏe tài chính lành mạnh vẫn chưa đạt được tác động mong muốn.

Cơ quan quản lý vội vã trấn an thị trường

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói hôm 4/5 rằng, chính quyền của Tổng thống Biden đang theo dõi chặt chẽ thị trường, “bao gồm cả áp lực bán khống đối với các ngân hàng lành mạnh”.

Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho biết trong một tuyên bố về các điều kiện thị trường rằng, cơ quan này “tập trung vào việc xác định và truy tố bất kỳ hình thức, hành vi sai trái nào có thể đe dọa các nhà đầu tư, hình thành vốn hoặc thị trường rộng hơn”.

Trong bối cảnh cổ phiếu sụt giảm không ngừng, một số người đã đổ lỗi cho những người bán khống. Western Alliance chỉ trích những người bán khống về tình trạng hỗn loạn, cho thấy họ đứng sau “những câu chuyện sai sự thật về một ngân hàng có lợi nhuận và lành mạnh về mặt tài chính”.

Một giải pháp được đưa ra để chấm dứt các cuộc tấn công như vậy là cấm bán khống, điều mà các nhà quản lý đã thực hiện vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát. Không rõ liệu những lệnh cấm như vậy có hiệu quả như dự định hay không và khi được hỏi về điều đó, phát ngôn viên của SEC cho biết, cơ quan này không dự tính bất kỳ giới hạn nào đối với việc bán khống cổ phiếu ngân hàng khu vực.

Để thể hiện sự tự tin, các giám đốc điều hành tại Zions, một công ty cho vay có trụ sở tại Utah với tài sản trị giá khoảng 90 tỷ USD, đã chi gần 2 triệu USD trong vài ngày qua để đầu tư vào cổ phiếu đang giảm giá của ngân hàng, theo hồ sơ pháp lý.

Những ngân hàng hiện đang chịu áp lực cũng tỏ ra háo hức mở sổ sách của họ để cố gắng trấn an các nhà đầu tư. PacWest đã đưa ra một tuyên bố vào đêm ngày 4/5 là họ đã “được một số đối tác và nhà đầu tư tiềm năng tiếp cận”. Ngân hàng cũng cho biết họ đã không thấy dòng tiền gửi “bất thường” kể từ khi First Republic sụp đổ./.