Tự do hóa thương mại trong ASEAN tạo cơ hội lớn cho hàng Việt Nam

Tự do hóa thương mại trong ASEAN tạo cơ hội lớn cho hàng Việt Nam xuất khẩu ra các nước trong khu vực

sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là sự tiếp nối của các chương trình hợp tác kinh tế nội khối ASEAN nhưng có sự phát triển đáng kể về phạm vi và mức độ tự do hóa. Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) cùng với các biện pháp trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2015 đã từng bước tạo nên một Cộng đồng Kinh tế phát triển năng động hàng đầu trên thế giới.

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – cơ hội và thách thức

Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận Thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một bên của thỏa thuận.

Thương mại hai chiều ASEAN và Việt Nam đã tăng và đạt khoảng 40 tỷ USD trong các năm 2013 và 2014. Tính hết quý III/2015, tổng kim ngạch thương mại đạt 33 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu 19,6 tỷ và xuất khẩu 13,4 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, được nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Từ những mặt hàng nông sản sơ chế và nguyên nhiên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, nước ta đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến, mỹ phẩm với giá trị cao và ổn định. Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng gia nhập các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may. Từ năm 1/1/2015, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cam kết nói chung và Hiệp định ATIGA nói riêng bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Trong khuôn khổ ATIGA, tới thời điểm 1/1/2018, khi Việt Nam thực hiện cắt giảm 7% số dòng thuế còn lại trong danh mục cam kết xuống mức 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng), những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng trong ASEAN sẽ bao gồm: Ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, sản phẩm nhựa, giấy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc.

Nhìn chung, tự do hóa thương mại hàng hóa trong ATIGA đã đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước như nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2018 được đánh giá là sẽ có nhiều tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan càng đến gần, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm.

Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính

Việt Nam cam kết mở cửa, xóa bỏ các hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán với mức ngang bằng với WTO. Đối với lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới với đối tượng sử dụng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các lĩnh vực mở cửa bao gồm bảo hiểm vận tải quốc tế, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm và các dịch vụ phụ trợ. Việt Nam cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty bảo hiểm có 100% vốn nước ngoài. Đối với lĩnh vực chứng khoán, Việt Nam chỉ cho phép nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với các dịch vụ chuyển thông tin, dịch vụ tư vấn và dịch vụ phụ trợ. Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại dưới hình thức văn phòng đại diện và liên doanh. Giới hạn vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không quá 49%, tuy nhiên được phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam chỉ cho phép thành lập chi nhánh của các công ty chứng khoán nước ngoài cung cấp một số dịch vụ nhất định. Chúng ta đã tham gia sáng kiến Liên kết thông tin giữa các sở giao dịch chứng khoán và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia Kế hoạch phát triển Hạ tầng cơ sở thị trường vốn ASEAN.

Theo đó, AEC được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính mở rộng thị phần không chỉ trong khu vực mà với cả các nước đối tác của ASEAN; tiếp cận với công nghệ quản trị tiên tiến, hiện đại thông qua cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược; tạo môi trường cho việc phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm mới dành riêng cho thị trường ASEAN; gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán; sự luân chuyển tự do của các dòng vốn cũng khiến cho quy mô của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tăng lên đáng kể và trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, đáp ứng các nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế.

Để tận dụng được các cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục phát triển hạ tầng cơ sở. Cùng với việc thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách trong lĩnh vực về tài chính. Việc triển khai và thực thi những cam kết trong ASEAN đặt ra những thách thức để nội luật hóa các cam kết, cũng như yêu cầu về tăng cường giám sát thị trường tài chính theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Vũ Nhữ Thăng (Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính)