Hướng đến trung tâm tài chính, dịch vụ quy mô toàn cầu

TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố để có cơ sở kiến nghị Quốc hội sớm thông qua nghị quyết thay thế, sau khi nghị quyết này hết hạn vào năm nay. Bên cạnh đó, một nghị quyết do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua cũng rất cần thiết cho TP. Thủ Đức - đô thị sáng tạo tương tác cao với nhiều động lực, nơi chiếm khoảng 30% GRDP TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, hạt nhân là trung tâm tài chính quốc tế đặt tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Đột phá kinh tế dựa trên nền tảng một trung tâm tài chính quốc tế
TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng đột phá.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh do một Phó Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo. Các thành viên chính gồm lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương xúc tiến việc thành lập một trung tâm tài chính quốc tế trên địa bàn, nhằm tạo đột phá để phát triển kinh tế. Tại dự thảo đề án lần 1, mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh được xây dựng gồm ba cấu phần.

Thứ nhất là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng với mục tiêu hội tụ và phát triển các dịch vụ, thị trường và tổ chức tín dụng truyền thống; hình thành các tập đoàn tài chính…

Thứ hai là thị trường vốn, bao gồm phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp; dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản phục vụ nhà đầu tư nội địa và quốc tế...

Thứ ba là thị trường hàng hóa phái sinh, gồm việc hình thành và phát triển Sở Giao dịch hàng hóa TP. Hồ Chí Minh; gắn với thị trường nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu.

Còn về lộ trình, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục củng cố vị thế TP. Hồ Chí Minh là Trung tâm tài chính quốc gia. Giai đoạn 2026 - 2030 là phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực. Giai đoạn 2031 trở đi, phát triển TP. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính toàn cầu.

Là nơi hội tụ vốn

Theo chia sẻ từ PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, sau 20 năm kể từ khi có ý tưởng về đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư gián tiếp và trực tiếp, trong và ngoài nước, nhiều quỹ đầu tư lớn đổ vốn vào... Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính TP. Hồ Chí Minh (HFIC), trong đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, TP. Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu trở thành nơi hội tụ để thu hút các đầu mối, dòng vốn của doanh nghiệp, tư nhân và từ quốc tế... đưa vào những lĩnh vực phù hợp để kích hoạt phát triển kinh tế.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, theo đề án mà IPPG và nhóm nhà đầu tư quốc tế Mỹ đã tư vấn, nghiên cứu và đề xuất, một trung tâm tài chính quốc tế theo xu thế mới tại Việt Nam không đơn thuần là những tòa nhà cao tầng với sự có mặt của các tổ chức tài chính, ngân hàng... mà còn là tổ hợp những trung tâm mua sắm toàn cầu, khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, khu phi thuế quan... UBND TP. Hồ Chí Minh và IPPG đã ký bản ghi nhớ về việc nghiên cứu lập đề án. Nếu đề án được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ sẽ rót 10 tỷ USD vào Việt Nam để triển khai trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Về lâu dài, các nhà đầu tư Mỹ đề nghị đưa Disney vào TP. Hồ Chí Minh, đưa Universal vào Hà Nội và đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) với dự kiến thu hút khoảng 70 triệu khách du lịch/năm.

Trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính, các nước trong khu vực Đông Nam Á đang quyết liệt chạy đua mời gọi đầu tư, đưa nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới vào thị trường. Việc có được một trung tâm tài chính quốc tế lớn sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh lợi thế hơn hẳn trong cuộc đua này.

Trong khi đó, theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, TP. Hồ Chí Minh đang là một trung tâm tài chính và có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Bởi thành phố là nơi hội tụ, thu hút dịch vụ mang tính toàn cầu, nơi có cộng đồng công nghệ tài chính (Fintech) phát triển rất sôi động. Múi giờ cũng thuận lợi cho giao dịch tài chính quốc tế. Nhiều nhà đầu tư đang rất chờ đợi sự ra đời trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh. Nếu chậm thì sẽ mất rất nhiều cơ hội, dòng vốn sẽ dịch chuyển tới các trung tâm tài chính khác trong khu vực.

Trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính, các nước trong khu vực Đông Nam Á đang quyết liệt chạy đua mời gọi đầu tư, đưa nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới vào thị trường. Việc có được một trung tâm tài chính quốc tế lớn sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh lợi thế hơn hẳn trong cuộc đua này.