Doanh nghiệp hưởng lợi từ tiết kiệm chi phí hành chính

Tại hội thảo “5 năm triển khai Nghị định 15 về an toàn thực phẩm: Kết quả, vấn đề và kiến nghị” diễn ra ngày 22/3/2024, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ những tác động tích cực của Nghị định 15 đến hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Đột phá trong cải cách kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm
TS. Nguyễn Minh Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, sau 5 năm thực hiện Nghị định 15 (thay thế Nghị định 38/2010/NĐ-CP) đã triển khai và đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả thiết thực rất rõ nét.

Kết quả khảo sát của CIEM cho thấy, thực hiện Nghị định 15, DN được tiết giảm đáng kể về thời gian, chi phí và giảm rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trung bình trong mẫu DN được khảo sát, mỗi DN tiết kiệm được 602,5 triệu đồng/năm. Có đến 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP).

Ở góc độ đại diện cộng đồng DN, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Nghị định 15 có những thay đổi nổi bật như: áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của DN và mức độ rủi ro của hàng hoá; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; cải cách toàn diện quản lý nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu.

Hơn nữa, việc phân cấp quản lý nhà nước theo Nghị định 15 đã khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

Nhờ vậy, số lượng DN ngành thực phẩm tăng lên nhanh chóng; tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động và đóng góp quan trọng vào GDP và tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước đó, thời gian và chi phí DN phải bỏ ra để thực hiện thủ tục liên quan đến ATTP nhập khẩu trong 1 năm (thời điểm trước 2018) là hơn 8,4 triệu ngày công và hơn 3,3 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục hoàn thiện Nghị định 15 theo hướng mở hơn cho doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo cho hay, Nghị định 15 được xem là thành tựu cải cách của môi trường kinh doanh ở nước ta, song nghị định vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Bởi vậy, tới đây khi thực hiện dự án Luật sửa đổi Luật ATTP, cộng đồng DN trông chờ những tiến bộ của Nghị định 15 tiếp tục được duy trì.

Đột phá trong cải cách kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: CTV

Các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách tham dự hội thảo cũng chỉ ra một số hạn chế của Nghị định 15. Đó là quy định chưa rõ ràng, cụ thể trong cách thức xác định tỷ lệ lô hàng nhập khẩu trong trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra giảm; thực thi thiếu nhất quán đối với trường hợp sản phẩm là mẫu thử nghiệm. Ở một số cơ quan địa phương vẫn có hiện tượng cán bộ yêu cầu DN bổ sung giấy tờ nhiều lần; thậm chí có những yêu cầu nằm ngoài quy định.

Đề cập đến hạn chế của Nghị định 15, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Nghị định 15 quy định “Phương thức kiểm tra giảm, theo đó kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên”.

Nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan hải quan cũng phản ánh, gặp khó khi thông quan hàng hoá do thiếu tiêu chí xác định lượng mẫu như thế nào là phù hợp đối với trường hợp được miễn kiểm tra chuyên ngành về ATTP. Đây là bất cập cần sớm bổ sung khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 15.

Ở một số cơ quan địa phương vẫn có hiện tượng cán bộ yêu cầu DN bổ sung giấy tờ nhiều lần; thậm chí có những yêu cầu nằm ngoài quy định.

Khảo sát của CIEM cho thấy, DN cũng phản ánh khó khăn, khi DN có sự thay đổi khác (thay đổi về cơ sở sản xuất, không phải thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo), nhưng cơ quan quản lý nhà nước về ATTP vẫn yêu cầu DN nộp hồ sơ công bố mới thay vì thông báo bằng văn bản.

Nghị định 15 đã có quy định đăng ký phụ gia mới hay có công dụng mới (nguyên liệu), nhưng lại chưa có quy định đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới. Vì vậy, cần rà soát, sửa đổi Luật ATTP để phù hợp với bối cảnh và thống nhất cách thức quản lý nhà nước về ATTP.

Phát huy, nhân rộng những cải cách của Nghị định 15

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan nhà nước cần duy trì và phát huy những cải cách cụa Nghị định số 15; nghiên cứu áp dụng nhân rộng cách tiếp cận quản lý này sang các lĩnh vực quản lý nhà nước khác.

Trong cải cách hành chính, cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng hoạt động hậu kiểm, qua đó giảm bớt gánh nặng cho cả cơ quan thực thi và chi phí của DN. Đẩy mạnh áp dụng thủ tục hành chính điện tử. Chấm dứt tình trạng yêu cầu DN bổ sung hồ sơ ngoài quy định hoặc đưa ra yêu cầu chung chung, thiếu rõ ràng.