Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) trong nửa đầu năm nay đạt 5,23 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lượng kiều hối chuyển về thành phố bất ngờ tăng mạnh trong quý II/2025.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế ghi nhận tăng mạnh trong quý II, khi đạt gần 2,82 tỷ USD, tăng 16,9% so với quý trước (quý I là 2,41 tỷ USD) và tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2024 đạt 2,31 tỷ USD).

Tính chung nửa đầu năm nay, tổng lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) đạt 5,23 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự ổn định của dòng kiều hối trong thời gian qua.

Bà Trần Thị Ngọc Liên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, đánh giá lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh trong quý II năm nay qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế tăng mạnh so với cùng kỳ những năm gần đây.

Xét theo thị trường, khu vực châu Phi có lượng kiều hối chuyển về thành phố tăng cao nhất khi có tốc độ tăng 130,8% so với cùng kỳ; trong khi đó, khu vực châu Âu có tốc độ tăng 16%, châu Mỹ tăng 11,9%, châu Đại Dương tăng 8,9%...

Châu Á tiếp tục là thị trường chiếm tỷ trọng lớn và áp đảo các thị trường còn lại. Nguyên nhân có thể là do sự tăng mạnh từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc... - nơi có nhiều lao động Việt Nam làm việc.

Không chỉ riêng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (cũ), lượng kiều hối chuyển về các tỉnh, thành khác trong khu vực Đông Nam Bộ cũng ghi nhận tín hiệu tích cực.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ (cũ) bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước có lượng kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng tính đến 30/6/2025 đạt trên 127,5 triệu USD.

Các tỉnh này không có tổ chức kinh tế hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ. Theo đó, kiều hối chuyển về qua tổ chức tín dụng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt hơn 27,2 triệu USD, Bình Dương đạt hơn 53,2 triệu USD, Đồng Nai đạt hơn 42,3 triệu USD, Bình Phước đạt hơn 4,6 triệu USD.

Như vậy, với địa bàn mở rộng, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh (mới) ước tính hơn 5,3 tỷ USD. Đây là con số có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh thị trường ngoại hối còn nhiều áp lực.

Việc dòng tiền kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tăng đều qua các giai đoạn không chỉ hỗ trợ người dân cải thiện thu nhập, mà còn giúp tạo điều kiện cho phát triển kinh tế thành phố, kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế còn nhiều ẩn số thách thức, dòng kiều hối chuyển về ổn định đã giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, hỗ trợ cân bằng cán cân thương mại và cán cân thanh toán, giảm sức ép lên tỷ giá.

Để phát huy nguồn lực “vàng” kiều hối, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn đến năm 2030." Đề án này tập trung vào việc tạo môi trường thuận lợi cho kiều hối chảy vào thành phố, hướng dòng kiều hối vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư…

Với quy mô của một siêu đô thị sau hợp nhất, Thành phố Hồ Chí Minh (mới) được kỳ vọng sẽ có nhiều dư địa phát triển, qua đó thúc đẩy dòng kiều hối chuyển về đầu tư tiếp tục duy trì tích cực hơn trong thời gian tới./.