Đừng để
Bán lẻ xăng dầu tại một cửa hàng quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CV

Áp lực giá đầu vào

Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine, dự báo mức tăng giá xăng dầu sẽ không chỉ dừng lại ở mức tăng thời điểm này. Trong khi, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Ở Việt Nam, khi giá xăng tăng kéo theo chi phí logistics, nguyên phụ liệu và vận hành nhà máy sẽ tăng thêm khiến doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong mục tiêu kích cầu nội địa để phục hồi.

Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp cho biết, giá xăng dầu tăng họ đang phải chịu nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng. Tình hình nhập nguyên liệu, hàng hóa đang gặp khó khăn do nguồn hàng, nguyên liệu bị thiếu hụt và thiếu tàu chở hàng, trong khi giá xăng dầu liên tục lập định mới khiến họ không kịp trở tay và rất chật vật để xoay sở.

Theo ông Trương Chí Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt (chuyên các sản phẩm thực phẩm nhãn hiệu V-Food), khoảng 2 tuần trở lại đây giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu tăng buộc họ phải tăng giá bán.

“Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp của ông đang rất vất vả trong việc cân nhắc tăng giá bán đầu ra. Doanh nghiệp có tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.Hồ Chí Minh, nhưng thời gian tới đà tăng vẫn tiếp tục thì doanh nghiệp buộc phải xin điều chỉnh lại giá bán ra của chương trình này. Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan chức năng ngồi lại cùng các doanh nghiệp sản xuất lẫn bán lẻ để chia sẻ giải pháp giảm chi phí bán hàng, nhằm hạn chế tác động thấp nhất của giá xăng dầu lên giá sản phẩm”- ông Cường chia sẻ.

Cũng trong tình thế phải gánh chịu cảnh giá đầu vào tăng nhưng giá bán chưa thể tăng, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, từ cuối quí IV/2021, Vissan đã dự báo qua quý I năm nay giá nguyên liệu sẽ tăng 10-30% tùy mặt hàng. Nhưng lúc ấy chưa tính toán đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Tuy nhiên, với tình hình này doanh nghiệp chỉ có thể "gồng mình" chịu đựng chứ chưa thể tăng giá bán, vì sức mua hiện quá thấp.

Đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng được xem là đang bị tác động mạnh và trực tiếp vào hoạt động khi xăng dầu tăng giá. Đại diện Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, áp lực từ giá xăng tăng đã khiến các doanh nghiệp taxi khó có thể “gồng mình tiếp tục chống đỡ”. Giá nhiên liệu chiếm khoảng 25-30% chi phí của doanh nghiệp, hiện giá xăng tăng cao, chiếm đến 30-40% tổng chi phí, trong khi giá cước taxi chưa được điều chỉnh.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện cũng rơi vào thế khó trong chuyện tăng giá bán, vì với kênh siêu thị muốn tăng giá bán phải báo trước mấy tháng, không thể nói là tăng ngay lập tức được.

Các doanh nghiệp này cho biết, nếu giá đầu vào tăng liên tục, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà các doanh nghiệp không mong muốn trong bối cảnh hiện nay.

Kìm hãm, giảm thiểu đà tăng giá “phi mã”

Thực tế trong thời gian qua, bằng nhiều chính sách cụ thể, Chính phủ cùng các bộ, ngành thông qua nhiều chính sách đã ưu tiên kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Hiệu quả cả các gói hỗ trợ như: gia hạn nợ, giảm thuế, phí, giảm lãi suất cho vay, kích cầu tiêu dùng…theo nghị quyết của Quốc hội đã và đang thấm sâu vào doanh nghiệp, vào đời sống người dân. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế từ các doanh nghiệp, việc triển khai các gói hỗ trợ trên vẫn chưa bù đắp được so với đà tăng giá hiện nay.

Khi nói đến vấn đề tăng giá bán sản phẩm, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra ngần ngại. Tuy nhiên sau chuỗi ngày tăng giá nhiên liệu gần đây thì dường như ngưỡng chịu đựng của họ đã đến giới hạn và không ít trong đó đã thẳng thắn hơn với việc tăng giá bán.

Theo nhận định của các chuyên gia, tác động của “bão giá” đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong báo cáo tài chính quí I của phần lớn doanh nghiệp và đang có dấu hiệu tiếp tục kéo dài và “bùng lên” trong quí II, nếu chi phí đầu vào tiếp tục leo thang. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn mà ngay cả các doanh nghiệp có vốn hóa lớn cũng thừa nhận lao đao với diễn biến giá.

Đừng để
Giá lúa tại đồng bằng SCL dự báo bị ảnh hưởng trong quý II/2022. Ảnh: CTV

Những thống kê trên chưa thể khái quát hết mức độ ảnh hưởng của các cơn bão giá lần này đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ở nhiều lĩnh vực như phân bón, điện tử, vật liệu xây dựng, dịch vụ… giá cả đã rục rịch tăng lên từ 10 đến 30% thậm chí có mặt hàng tăng tới 40% khiến cho doanh nghiệp, người tiêu dùng đứng trước áp lực của mặt bằng giá mới trên diện rộng.

Trong báo cáo mới đây, bên cạnh đánh giá thị trường tiêu dùng nội địa phục hồi, Bộ Công thương cũng đặt ra lo ngại nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Bởi phần lớn doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng.

Bộ Công thương cũng đánh giá, trong tháng 4 vừa qua, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước tăng so với tháng trước. Nhiều doanh nghiệp đã buộc tăng giá bán sản phẩm khi đã quá ngưỡng chịu đựng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng như tăng giá bán chỉ là giải pháp tức thời để duy trì kinh doanh, còn việc cân đối kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 là vấn đề rất khó và rất hệ trọng. Nhất là trong bối cảnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn có độ trễ, trong khi đó sức ép từ các biến động của kinh tế thế giới ngày một lớn hơn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để lấy lại đà phục hồi sản xuất thì một trong những biện pháp cần làm ngay đó là phải nhanh chóng giảm độ trễ của chính sách. Đồng thời phải khẩn trương hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định giá nhiên liệu, để giảm bớt áp lực về các chi phí.

T.S Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu. Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được khoảng 5-7 ngày là quá ít và tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát.

Vì vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh dự trữ xăng dầu bằng hàng thay vì bằng tiền. Nếu làm tốt sẽ là giải pháp giúp nền kinh tế không bị tổn thương quá lớn và đà phục hồi của doanh nghiệp không bị cản lại./.