Ngành thép phục hồi ở mức thấp

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ngành thép đã ghi nhận một quý II ấn tượng, khi nhiều doanh nghiệp (DN) báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ. Lợi nhuận của các DN lớn đạt từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, bức tranh chung vẫn có sự phân hóa, với một số DN còn gặp khó khăn và ghi nhận mức lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bất động sản nội địa phục hồi là bệ đỡ cho ngành thép trong những tháng cuối năm 2024

Các chuyên gia của VCBS nhận định, dù biên lợi nhuận của các DN sản xuất thép xây dựng đã cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với lịch sử. Nguyên nhân chính là do giá thép xây dựng trong nước chịu áp lực giảm liên tục, trong bối cảnh nhu cầu xây dựng yếu và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc duy trì ở mức cao trong quý IV/2023 và quý I/2024, cộng thêm chi phí điện tăng, khiến ngành thép chịu áp lực lớn (chi phí điện chiếm khoảng 10% giá vốn).

"Bức tranh kinh doanh ngành thép quý II ghi nhận điểm sáng từ các DN lớn, nhờ mức nền so sánh thấp của năm 2023 và lợi thế về quy mô, thương hiệu, công nghệ.

Các DN đã mở rộng thị phần nội địa, tận dụng đà phục hồi xây dựng và cơ hội xuất khẩu, đặc biệt ở mảng tôn mạ, mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng. Giá nguyên liệu ổn định từ quý I cũng hỗ trợ giảm giá vốn trong quý II" - Các chuyên gia đánh giá.

Trong khi đó, mảng tôn mạ lại có sự phục hồi tích cực sau những quý hoạt động kém khả quan nhờ vào nhu cầu nhập khẩu từ EU và Mỹ phục hồi mạnh mẽ, do nguồn cung tại các khu vực này có dấu hiệu thiếu hụt.

Bên cạnh đó, giá thép HRC cũng ổn định trong quý I, giúp các DN không phải trích lập giảm giá tồn kho quá lớn trong quý II, vì các DN tôn mạ thường nhập kho trước khoảng 3 tháng.

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới ngành thép còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những lợi thế hiện tại chỉ mang tính chất tạm thời và không bền vững. Nguyên nhân là do các chính sách mới từ EU có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, và giá nguyên liệu giảm mạnh vào cuối quý II sẽ tạo ra áp lực cho việc trích lập giảm giá hàng tồn kho trong quý III.

Bệ đỡ trong những tháng cuối năm

Theo VCBS, giá thép thanh tại Việt Nam hiện đang đi ngang ở mức 14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm, dù thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào.

Áp lực giảm giá phần nào giảm bớt nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước có dấu hiệu phục hồi, nhưng giá thép vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh khi đối mặt với mức giảm mạnh từ Trung Quốc và sự suy yếu của ngành xây dựng trong mùa mưa. Các chuyên gia dự báo rằng, giá thép thanh có thể giảm về mức 12,5 - 13 triệu đồng/tấn trong những tháng cuối năm 2024.

Bất động sản nội địa phục hồi là bệ đỡ cho ngành thép trong những tháng cuối năm 2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc, WB, VSA.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu dự kiến tăng 1,8% trong năm 2023 và 1,9% vào năm 2024, với sự phục hồi ở nhiều khu vực như châu Âu, châu Á và Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất được dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 0%.

Theo đó, các chuyên gia từ VCBS đánh giá, nhu cầu thép thực tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2024 có thể thấp hơn dự báo do thị trường bất động sản tiếp tục suy giảm. Trong khi đó, Mỹ và EU duy trì nhu cầu nhập khẩu thép khởi sắc nhờ lãi suất giảm và kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, các biện pháp chống bán phá giá tại EU và Mỹ có thể ảnh hưởng đến thép Việt Nam.

Tại thị trường nội địa, thị trường thép dự kiến phục hồi nhờ đà tăng trưởng của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công. Theo đó, ngành xây dựng chiếm 60% nhu cầu thép cũng đang dần được tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng cho nhu cầu thép tăng trưởng trong quý tới.

Các chuyên gia kỳ vọng, biện pháp chống bán phá giá thép từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc có thể được ban hành vào cuối năm 2024, giúp sản lượng thép nội địa tăng thêm 10 - 15%.

Trên thị trường, giá thép nội địa vẫn giữ ổn định đến sáng ngày 12/9, trong khi giá quặng sắt tiếp tục không biến động do nhu cầu từ Trung Quốc còn nhiều bất định.

Liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá thép từ Trung Quốc và Ấn Độ, theo quyết định mới từ Bộ Tài chính Ấn Độ, nước này sẽ áp thuế từ 12% đến 30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam nhằm bảo vệ và phát triển ngành thép trong nước.

Sắc lệnh ban hành ngày 10/9 quy định, các mặt hàng như ống thép và ống thép không gỉ hàn nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu mức thuế này trong vòng 5 năm tới.