Việt Nam cam kết cắt giảm 50% rác thải nhựa vào năm 2025

Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm, ít nhất 10% trong số chất thải này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới.

Báo cáo “Phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” mới được WB công bố cho thấy, chất thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng. Mười loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ vào đường thủy. Hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần (SUP). Vì vậy theo các chuyên gia, điều cốt yếu đối với Việt Nam ngay từ bây giờ là phải có những hành động tích cực để giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồ họa: Văn Chung

Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt ra các mục tiêu táo bạo để đảo ngược quỹ đạo rác thải nhựa của mình khi cam kết cắt giảm 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030 rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch hành động này cũng cam kết Chính phủ sẽ loại bỏ nhựa dùng một lần tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

Ngoài ra, theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc cấm sản xuất và nhập khẩu túi nhựa không phân hủy sinh học phục vụ tiêu dùng trong nước sẽ bắt đầu từ năm 2026. Nghị định cũng yêu cầu cắt giảm dần dần việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm SUP cho đến khi lệnh cấm cuối cùng sẽ được áp dụng vào năm 2031…

Thu phí, tiến tới cấm dùng để giảm rác thải nhựa dùng một lần

Để góp phần hỗ trợ các chương trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa của Chính phủ, WB đề xuất một lộ trình chính sách nhằm giảm thiểu sử dụng các loại SUP phổ biến nhất tại Việt Nam là: túi nhựa không phân hủy, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa polystyrene giãn nở (EPS) và ống hút nhựa. Các loại nhựa khác bao gồm nhựa được sử dụng trong các cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú.

Báo cáo “Hướng tới một lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam” của WB đề xuất, cần có cách tiếp cận theo từng giai đoạn để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa thông qua sự kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế tài khóa, bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng và thu phí và cuối cùng là cấm sử dụng để loại bỏ SUP.

Tiếp cận theo từng giai đoạn và ưu tiên chính sách tốn ít chi phí

Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý, để thực hiện thành công lộ trình giảm rác thải nhựa tại Việt Nam, cần có cách tiếp cận theo từng giai đoạn, ưu tiên các chính sách tốn ít chi phí hơn khi thực hiện và không gây ra gián đoạn lớn đến thị trường. Đồng thời, đảm bảo sự tham vấn và phối hợp hiệu quả giữa các nhóm liên quan chính, bao gồm: cơ quan có trách nhiệm xây dựng và thông qua các chính sách; các bên liên quan đến thực hiện và thực thi; các bên liên quan bị ảnh hưởng. Đây là chìa khóa để thực hiện các can thiệp chính sách một cách hiệu quả.

Theo WB, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lợi ích mang lại của việc loại bỏ dần nhựa dùng một lần sẽ lớn hơn chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận theo từng giai đoạn để bù đắp thiệt hại cho người sản xuất, đồng thời cần chuẩn bị các cơ chế khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi hành vi. Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam có thể bắt đầu với những hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú. Báo cáo cũng đề xuất thu phí đối với túi nhựa không phân hủy sinh học và cốc cà phê mang đi. Lộ trình hướng tới mục tiêu áp đặt lệnh cấm lưu thông các sản phẩm ống hút nhựa, túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm.

Cụ thể, các chính sách về giá, theo khuyến cáo của WB, tính phí tính cho người tiêu dùng đối với túi nhựa không phân hủy sinh học khi họ yêu cầu loại túi này là một biện pháp chuyển tiếp trước khi có lệnh cấm từ năm 2026 tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Tiếp đó là tính phí với cốc cà phê nhựa mang đi. Để tránh sự phản kháng mạnh mẽ từ người tiêu dùng, theo WB, ban đầu có thể sử dụng các biện pháp chuyển tiếp như tính phí cho người tiêu dùng đối với cốc cà phê mang đi và hạn chế sử dụng trong các khu vực không có SUP, chẳng hạn như công viên và khu bảo tồn thiên nhiên. Chỉ sau khi áp dụng những biện pháp chuyển tiếp này trong vài năm, mới chuyển sang thực hiện lệnh cấm trên toàn quốc.

Đối với lộ trình thực hiện các lệnh cấm, có thể được thực hiện thông qua lệnh cấm bán hoặc sản xuất và nhập khẩu. Do Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định cấm nhập khẩu và sản xuất túi nhựa bắt đầu từ năm 2026, lệnh cấm này không yêu cầu ban hành các văn bản pháp luật bổ sung và có thể bắt đầu bằng việc xây dựng các hướng dẫn hỗ trợ triển khai thực hiện và giám sát lệnh cấm. Các nỗ lực nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa không phân hủy sinh học hiện đang được thực hiện ở Việt Nam thông qua việc đánh thuế các đơn vị sản xuất và nhập khẩu, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thu phí người tiêu dùng trong vài năm trước khi ban hành lệnh cấm sẽ có hiệu quả hơn…

Áp dụng công nghệ để giải quyết bài toán rác thải

Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp thiết của nhiều địa phương hiện nay, khi lượng rác thải ngày càng nhiều quỹ đất dành cho việc chôn lấp ở nhiều tỉnh, thành phố ngày càng hạn hẹp nhưng công nghệ xử lý vẫn chưa thể đáp ứng được thực tế.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều địa phương cũng đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ để triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ, kỹ thuật vào xử lý rác thải. Đơn cử như Hà Nội, đã có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt phát điện được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang trong quá trình hoàn thành. Công nghệ này giúp giải quyết được tình trạng rác thải bừa bãi tại các địa phương, song chỉ phát huy hiệu quả với điều kiện, các lò đốt phải được xây dựng thiết kế và hoạt động theo đúng nguyên lý, đảm bảo duy trì nhiệt độ ở mức trên 1.200 độ. Hiện nhiều lò đốt rác không đảm bảo điều này.

Cũng có nhiều công nghệ xử lý rác đã áp dụng tại Việt Nam như công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy, đốt phát điện, sản xuất phân compost… nhưng sau một thời gian áp dụng cũng bộc lộ một số bất cập, làm phát sinh những vấn đề ô nhiễm trường. Bởi lẽ, phần lớn rác thải ở Việt Nam hiện nay chưa được phân loại tại nguồn nên lượng chất vô cơ trong rác như plastic, nhựa, lốp xe… khá nhiều.

Bên cạnh đó, nhiều công nghệ tối ưu cũng đã được một số địa phương tính đến, nhưng lại có giá thành quá cao nên gặp khó khi kêu gọi đầu tư. Khi đầu tư lớn, nếu các tỉnh có nguồn thu ngân sách ít thì không đủ khả năng chi trả, còn nếu kêu gọi xã hội hóa, nhà đầu tư không thấy có lãi sẽ không mặn mà.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn các công nghệ xử lý rác mới, các địa phương cần ưu tiên những công nghệ không làm phát sinh thêm những chất thải ô nhiễm ra môi trường, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, vì mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để lựa chọn một công nghệ xử lý rác an toàn, hiệu quả nhà nước cần có cơ chế, chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ.