Hoà Bình, Hoàng Anh Gia Lai khắc phục việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát và cảnh báo như thế nào?
Lịch sử giao dịch cổ phiếu HBC của Tập đoàn Hoà Bình.

Theo đó, ngày 28/4, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã thay mặt và đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình ký công văn số 59/2023/CV–HBC gửi đến HOSE để giải trình biện pháp khắc phục tình trạng cổ phiếu HBC bị đưa vào diện kiểm soát.

Cụ thể, ngày 10/4/2023, Tập đoàn Hòa Bình nhận được Quyết định số 165/QĐ- SGDHCM của HOSE về việc đưa cố phiếu HBC vào diện kiểm soát do chậm nộp Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán.

Tập đoàn Hoà Bình lý giải, trong khoảng thời gian vừa qua, công tác quản trị nội bộ đã phát sinh một số vấn đề. Ban điều hành cùng toàn thể công nhân viên phải tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề trên. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của tập đoàn, trong đó có việc hoàn thành báo cáo tài chính năm theo đúng thời hạn.

Hiện tại, các vấn đề về quản trị nội bộ đã được giải quyết hoàn toàn, tập đoàn đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố báo cáo tài chính, dự kiến chậm nhất là ngày 30/5/2023.

“Trong năm 2024, Tập đoàn Hòa Bình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố Báo cáo tài chính năm 2023 theo đúng thời hạn” - công văn của Tập đoàn Hoà Bình nêu.

Cũng vào ngày 29/4, trong đơn gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, phía Hoàng Anh Gia Lai cho biết, căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, kết quả kinh doanh khởi sắc giúp lỗ lũy kế của doanh nghiệp giảm xuống, do đó phần nào đã khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 3 tháng đầu năm 2023 đạt 291 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 303 tỷ đồng.

Về tình hình đầu tư các dự án gồm doanh thu từ ngành chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế dự kiến còn nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chỉ duy trì quy mô sản xuất như năm 2022. Trong đó, ngành cây ăn trái quy mô 7.000 ha chuối; ngành chăn nuôi heo quy mô 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 600.000 con heo thịt mỗi năm.

Về công tác tái cơ cấu tài chính, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn thành cơ bản việc thoái vốn đầu tư vào nhóm Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, giảm số dư nợ vay và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời phần nào mang lại dòng tiền, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Với những tín hiệu khả quan và các dự án tiềm năng nêu trên, công ty tin tưởng hoạt động kinh doanh sắp tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm và xóa lỗ lũy kế, khắc phục được nguyên nhân dẫn tới tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo” - phía Hoàng Anh Gia Lai khẳng định.