Nhân viên tình nguyện và y tế cộng đồng gõ cửa từng nhà, động viên người dân tiêm vaccine

Nhân viên tình nguyện và y tế cộng đồng gõ cửa từng nhà, động viên người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Birmingham, Alabama, Mỹ.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 18/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 209.285.952 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.392.940 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 605.401 và 9.594 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 187.595.640 người, 17.297.372 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 107.715 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 102.999 ca mới; tiếp theo là Iran (50.228 ca) và Nga (37.197 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.180 người chết, tiếp theo là Brazil (816 ca) và Nga (806 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 37.848.622 người, trong đó có 639.750 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.285.101 ca nhiễm, bao gồm 432.552 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.416.183 ca bệnh và 570.598 ca tử vong.

New Zealand áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vì 1 ca mắc mới

Ngày 17/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ban bố một lệnh phong toả trên quy mô toàn quốc sau khi một ca mắc mới COVID-19 được phát hiện tại Auckland, thành phố lớn nhất nước này.

Cụ thể, lệnh phong toả sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tối 17/8 và kéo dài trong 3 ngày. Riêng ở thành phố Auckland và vùng Coromandel lân cận, lệnh phong tỏa có hiệu lực trong 7 ngày. Trong phát biểu trên truyền hình, bà Ardern nêu rõ: “Chúng ta có thể phải chứng kiến dịch có thể xảy ra như ở nơi khác nếu chúng ta không thể kiểm soát được mọi việc. Chúng ta chỉ có một cơ hội”.

Giới chức New Zealand nghi ngờ ca mắc mới trong cộng đồng ở thành phố Auckland do biến thể Delta gây ra. Đến ngày 18/8 mới có kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm về việc liệu ca này có liên quan tới biến thể Delta hay không.

Mỹ: Thống đốc Texas, người cấm đeo khẩu trang, mắc COVID-19

Thống đốc bang Texas, Greg Abbott ngày 17/8 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVDI-19. Ông Abbott, thành viên đảng Cộng hoà, là người đã ra sắc lệnh hành chính vào cuối tháng 7 cấm bắt buộc tiêm chủng và đeo khẩu trang trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên ở Texas và bất chấp những phản ứng từ giới chức địa phương và các học khu.

Các học khu tại hạt Harris và Tarrants, hai khu vực đông dân nhất Texas, đã bất chấp sắc lệnh của ông Abbott, yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang khi đến lớp. Tuy nhiên, sắc lệnh của Thống đốc Abbott gần đây đã bị Toà án Tối cao bang bác bỏ.

Theo NBC News, ông Abbott nói với mọi người rằng ông đã tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi thứ ba), mặc dù mũi tiêm này vẫn chưa được Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Dự kiến chính quyền Tổng thống Biden sẽ sớm công bố chương trình tiêm mũi tăng cường.

Mỹ dẫn đầu thế giới về ca mắc mới

Theo kênh truyền hình CNN, Mỹ vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới, phần lớn là do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở miền Nam nước này gia tăng khi nhiều bang chậm trễ trong việc tiêm chủng.

Theo Đại học Johns Hopkins, trong hơn 2 tuần đầu tiên của tháng 8, Mỹ đã ghi nhận trên 1,5 triệu ca mới, gấp hơn 3 lần so với số ca mới của 2 quốc gia đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách này là Iran và Ấn Độ. Số ca mới trung bình trong 7 ngày tại Mỹ lên đến 135.000 ca, vượt xa các quốc gia khác.

Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 11/8/2021.
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 11/8/2021.

Trước tình hình trên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định hầu hết người Mỹ cần tiêm mũi nhắc lại sau 8 tháng hoàn tất tiêm chủng và kế hoạch tiêm nhắc lại sẽ bắt đầu từ giữa tháng 9 tới.

Nhật Bản: Ca nguy kịch lại tăng kỷ lục

Ngày 17/8, số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch ở Nhật Bản đã tăng cao kỷ lục lên 1.646 người, tăng 43 ca so với một ngày trước đó. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số bệnh nhân nguy kịch lập mốc cao mới. Điều này khiến cho hệ thống y tế của nhiều tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, đang rơi vào tình trạng căng thẳng.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Nhật Bản đã đảm bảo đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm mũi thứ 3 cho người dân nhằm tăng khả năng miễn dịch.

Chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna trong năm 2022. Bên cạnh đó, Nhật Bản và hãng Pfizer đã “nhất trí về việc cung ứng vaccine cho chương trình tiêm mũi bổ sung”.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, đến ngày 16/8, hơn 63,23 triệu người dân ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 47,8 triệu người đã được tiêm mũi thứ 2.

Dữ liệu mới cho thấy vaccine của Sinopharm an toàn và hiệu quả

Tại Bắc Kinh, tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/8 cho biết Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) - một chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), vừa thông báo vaccine của hãng này không làm tăng nguy cơ gây ra chứng huyết khối hoặc giảm tiểu cầu ở những người được tiêm chủng. Ngoài ra, mẫu dữ liệu thực tế mới nhất từ Argentina cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ người được tiêm chủng trước nguy cơ tử vong lên tới 84% ở những người từ 60 tuổi trở lên.

Trong thông báo được đưa ra ngày 16/8, Sinopharm trích dẫn nghiên cứu được công bố vào ngày 27/7 trên tạp chí Thông tin Khoa học, cho biết tỷ lệ chuyển hóa huyết thanh của kháng thể đặc trị SARS-CoV-2 là 95,81% trong 4 tuần sau khi tiêm chủng bằng một mũi tiêm do CNBG phát triển. Theo bài báo, không có đối tượng nào bị chứng huyết khối tự phát hoặc giảm tiểu cầu trong thời gian theo dõi tối thiểu là 8 tuần và không có thay đổi về hồ sơ tự kháng thể hoặc các biểu hiện lâm sàng bất lợi.

Nghiên cứu được thực hiện trên 406 nhân viên y tế được tiêm hai liều vaccine, cách nhau 21 ngày, tại bệnh viện Thụy Kim (Ruijin) Thượng Hải. Họ được tuyển chọn từ ngày 14/1 đến ngày 10/3/2021, với thời gian theo dõi tối thiểu là 8 tuần.

Theo tuyên bố khác từ CNBG hôm 17/8, các vaccine này đã chứng minh hiệu quả bảo vệ người được tiêm chủng trước nguy cơ tử vong nói chung là 84% ở những người từ 60 tuổi trở lên tại Argentina, dựa trên dữ liệu của gần 150.000 người. Tỷ lệ này là 80,2% ở nhóm tuổi 60-69, 88,3% ở nhóm tuổi 70-79 và 77,6% ở nhóm tuổi từ 80 trở lên. CNBG nói rằng mũi đầu tiên có thể mang lại hiệu quả bảo vệ người tiêm trước nguy cơ tử vong là 61,6% cho những người từ 60 tuổi trở lên. Ngoài ra, CNBG nhấn mạnh, chỉ có 1.866 trường hợp tác dụng phụ được báo cáo sau khi hơn 4 triệu mũi vaccine của CNBG đã được tiêm.

Hãng Pfizer xin cấp phép tiêm liều tăng cường cho toàn bộ người dân Mỹ

Hãng dược phẩm Pfizer/ BioNTech ngày 16/8 đã gửi dữ liệu nghiên cứu lâm sàng sơ bộ lên các cơ quan y tế nước này nhằm tìm kiếm sự cho phép tiêm liều tăng cường (mũi thứ 3) vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho tất cả người dân Mỹ.

Pfizer/ BioNTech đã trình kết quả thử nghiệm giai đoạn 1, cho thấy độ an toàn và hiệu quả của mũi tiêm thứ 3. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng này, lượng kháng thể cao hơn đáng kể so với lượng kháng thể hình thành sau khi tiêm mũi thứ 2. Trong khi đó, người đồng sáng lập BioNTech, Ugur Sahin cho rằng liều tăng cường có thể giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm ở những người đã tiêm trước đó và kiểm soát tốt hơn sự lây lan của các biến thể.

Pfizer/ BioNTech cũng có kế hoạch gửi những dữ liệu này cho các cơ quan có thẩm quyền ở châu Âu trong những tuần tới.

Anh cấp phép sử dụng vaccine Moderna cho trẻ em 12-17 tuổi

Ngày 17/8, cơ quan quản lý dược phẩm Anh cho biết đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Động thái này diễn ra hơn 2 tháng sau khi vaccine của hãng Pfizer/ BioNTech cũng đã được giới chức y tế Anh phê duyệt để sử dụng cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Hiện Anh đang xem xét để cấp phép tiêm vaccine của Pfizer/ BioNTech cho nhóm đối tượng là thanh thiếu niên từ 16-17 tuổi.

Hồi tháng 7 vừa qua, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu đã khuyến nghị sử dụng vaccine của Moderna cho nhóm đối tượng là thanh thiếu niên và hiện Mỹ cũng đang xem xét vấn đề này.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Pointe-a-Pitre, Pháp.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Pointe-a-Pitre, Pháp.

Israel: 1 triệu người đã tiêm mũi vaccine thứ 3

Trong khi đó, sau 2 tuần triển khai, chiến dịch tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 tại Israel đã cán mốc 1 triệu người, trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia này.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett coi sự kiện này là “một thành công lớn, mặc dù vẫn còn nhiều công việc phía trước”, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm chủng. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz cũng khẳng định “vaccine là công cụ tốt nhất trong cuộc chiến chống lại biến thể Delta”.

Mặc dù vậy, giới chức y tế cho biết trong ngày 16/8 Israel đã ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Hiện tại, quốc gia này đang có hơn 53.000 ca mắc COVID-19, trong đó 528 ca nghiêm trọng.

Là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vaccine cao hàng đầu thế giới, nhưng Israel vẫn đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta, đặt chính phủ nước này trước những lựa chọn khó khăn về biện pháp kiểm soát, nhưng không gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế.

Hàn Quốc tiêm chủng đầy đủ cho gần 20% dân số

Đã có thêm 661.839 người tại Hàn Quốc được tiêm mũi đầu tiên của vaccine phòng dịch COVID-19 trong ngày 16/8, khi người dân nước này đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (14-16/8). Số người tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ nhất đã tăng lên đáng kể khi đối tượng từ 50-54 tuổi bắt đầu được tiêm chủng. Đến nay đã có tổng cộng 9.996.839 người đã hoàn tất các mũi tiêm theo quy định, chiếm 19,5% dân số.

Ngày 17/8, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận 2.111 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số hơn 9 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Trong số này, có 19 ca xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và 2 trường hợp nặng (ở độ tuổi 80 và 90) đã dẫn đến tử vong. KDCA cho biết tỷ lệ các trường hợp đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc COVID-19 cao nhất là những người ở độ tuổi 30, với 66,1 trường hợp/100.000 dân. Tỷ lệ này có dấu hiệu giảm dần ở những người cao tuổi hơn.

Thái Lan: Ca tử vong trong ngày cao nhất

Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan, ngày 17/8, nước này đã ghi nhận thêm 239 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ trước tới nay tại nước này, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh lên 7.973 ca. Thái Lan cũng ghi nhận thêm 20.128 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 948.442 người.

Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 vẫn trên 20.000 ca/ngày, nhưng ngày 17/8 cũng là ngày thứ tư liên tiếp, số ca mắc mới duy trì đà giảm, làm dấy lên hy vọng rằng các biện pháp phong toả từng phần như hạn chế đi lại, đóng cửa các trung tâm mua sắm và áp đặt các lệnh giới nghiêm vào ban ngày và ban đêm tại những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh có thể kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực đảm bảo có thêm vaccine ngừa COVID-19 và đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số gần 70 triệu dân của nước này vào cuối năm nay.

Theo CCSA, tính tới ngày 16/8, Thái Lan đã sử dụng hơn 24 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, với 7,4% trong tổng dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

Trong khi đó, cùng ngày, Philippines ghi nhận thêm 10.035 ca mắc mới và 96 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.765.675 ca, trong đó có 30.462 ca tử vong.

Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, số ca mắc mới trung bình hàng ngày ở nước này đã lên tới gần 13.000 ca từ ngày 10-16/8. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 16,5 triệu người trong tổng số 110 triệu dân của nước này.

Campuchia: Thêm 15 tỉnh áp dụng giãn cách xã hội

Tối 16/8, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 15 tỉnh của nước này ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội do có các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ Y tế Campuchia đồng thời kêu gọi giới chức các cấp có biện pháp để đảm bảo người dân đeo khẩu trang và giãn cách nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Việc bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách đã được thực hiện từ lâu tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Preah Sihanouk, Kandal, Prey Veng, Siem Reap, Svay Rieng và Banteay Meanchey.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia đã khởi động chiến dịch toàn quốc với tên gọi “Cùng nhau chia sẻ trách nhiệm ngăn chặn dịch COVID-19”. Chiến dịch nhằm cảnh báo các cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, giới chức địa phương và khu vực tư nhân phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn phòng dịch, đặc biệt là phòng chống biến thể Delta, theo hướng dẫn của chính phủ.

Trong khi đó, ngày 17/8 là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia tăng sau khi mở cửa biên giới với Thái Lan từ ngày 13/8.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 14 ca tử vong và 556 ca mắc COVID-19, gồm 167 ca nhập cảnh và 389 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 17/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 86.597 ca mắc COVID-19, trong đó 81.918 người đã khỏi bệnh và 1.718 người tử vong.

Indonesia: Tình hình dịch bệnh cải thiện

Tình hình dịch COVID-19 tại Indonesia có dấu hiệu cải thiện khi Phó thống đốc Jakarta Ahmad Riza Patria ngày 16/8 cho biết tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở thủ đô của Indonesia hiện chỉ ở mức 27%, giảm 6% so với ngày 13/8.

Trao đổi với báo giới, ông Riza cho hay hiện chỉ còn 2.641 trong tổng số 9.655 giường chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Jakarta được sử dụng và hy vọng tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm. Ngoài việc giảm công suất sử dụng giường chữa trị bệnh nhân COVID-19, ông Riza cho hay tỷ lệ sử dụng phòng điều trị đặc biệt (ICU) tại thành phố Jakarta cũng chỉ còn 51%, giảm 8% so với ngày 13/8.

Ngoài ra, một số cơ sở cách ly tập trung ở Jakarta hiện cũng không còn được sử dụng. Khu Graha Wisata Ragunan ở Nam Jakarta đã trống người cách ly từ ngày 31/7, trong khi khu Graha Wisata TMII ở Đông Jakarta không tiếp nhận bệnh nhân nào từ ngày 11/8. Cả hai cơ sở cách ly tập trung này đã được chính quyền thành phố đưa vào sử dụng giữa tháng 6 vừa qua. Giám đốc Graha Wisata Ragunan, ông Yayang Kustiawan cho biết các nhân viên y tế được cử tới đây chăm sóc bệnh nhân đã được cho nghỉ vì hiện không còn người cách ly.

Tính đến ngày 16/8, thủ đô Jakarta ghi nhận tổng cộng 840.955 ca mắc COVID-19, trong đó 818.672 ca đã bình phục và 13.078 ca tử vong. Jakarta đã tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 cho hơn 9 triệu người, đạt 101,4% mục tiêu và tiêm mũi thứ 2 cho hơn 4,3 triệu người, đạt 48,2%. Ngày 16/8 thủ đô của Indonesia chỉ ghi nhận 513 ca mắc mới và 28 ca tử vong do COVID-19, thấp hơn rất nhiều so với đỉnh điểm hồi tháng 7.

Theo TTXVN