Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã có những đánh giá rằng, Việt Nam không ngừng cố gắng để củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa. Kể cả nhiều thời điểm gặp phải nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến nguồn thu như giá dầu giảm trong khi các khoản chi thường xuyên tăng cao…nhưng chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn luôn hướng tới người nghèo, góp phần hạn chế bất bình đẳng và đóng góp vào giảm nghèo.

Chính phủ cật lực dành dụm cho túi tiền quốc gia, như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, “luôn hết sức phấn đấu nên ngân sách nhà nước đã có của ăn của để, vì thế khi gặp phải đại dịch, Chính phủ có sẵn ngay nguồn lực để hỗ trợ cho người dân”.

Từ hồi cuối tháng 3, mặc dù dự kiến thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng trong năm nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vẫn đề xuất hàng loạt nội dung liên quan tới việc sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí...

Có thể kể đến các đề xuất hết sức khẩn trương và táo bạo ở thời điểm đó như đề xuất lần đầu tiên hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, theo đó, ưu tiên bố trí khoảng 36.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện công việc này; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41 về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch với khoảng 98% doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 740.000 doanh nghiệp) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng.

Bộ cũng đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021) với khoảng 700.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng). Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân cho khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu người sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng…

Chia sẻ rằng, “một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ Tài chính là cân đối thu, chi ngân sách quốc gia, đảm bảo nguồn lực cho các nhu cầu chi tiêu công, nhưng mục tiêu cuối cùng của chính sách tài khóa vẫn là củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội”, người đứng đầu ngành Tài chính thấy, “trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước giảm có thể lớn, ngân sách phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội…, áp lực là không tránh khỏi, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy được động viên, khích lệ khi các giải pháp về tài khóa để hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang được triển khai và được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ”.

Vào lúc này, giới chuyên gia, học giả trên thế giới đang kêu gọi Chính phủ các nước phải bắt đầu sử dụng chính sách tài khóa không chỉ với mục đích ngắn hạn như giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng mà cần theo đuổi những mục tiêu dài hạn như giảm chênh lệch giàu nghèo. Và ở Việt Nam, điều này không cần kêu gọi, cũng không cần phải đợi đến khi vấp phải đại dịch. Chính sách tài khóa của Việt Nam đã luôn là “người hùng không ngủ”.

Đoàn Trần