Thị trường ngày 3/10: Dầu tiếp đà tăng, vàng hạ nhiệt- Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Giá ngô đánh dấu phiên thứ 3 suy yếu liên tiếp

Theo ghi nhận của MXV, giá của toàn bộ 7 mặt hàng nông sản đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua (5/5). Trong đó, giá ngô dẫn dắt đà giảm khi lao dốc hơn 3% còn 178 USD/tấn. Giá đóng cửa sát đáy phiên cho thấy tâm lý tiêu cực vẫn bao trùm thị trường.

Theo MXV, những bất ổn về địa chính trị và thương mại đã trở thành một phần nguyên nhân đẩy giá ngô giảm sâu. Tại Mexico – khách hàng lớn của ngô Mỹ, Tổng thống nước này vừa từ chối hợp tác quân sự với Mỹ, trong khi đàm phán thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng thực hiện các hợp đồng đã ký, đặc biệt là gần 6 triệu tấn ngô Mỹ xuất sang Mexico và 2 triệu tấn sang Nhật Bản.

Về mặt xuất khẩu, báo cáo Export Inspections của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 1/5 đạt 1,61 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái và duy trì ổn định so với các tuần gần đây. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ để hỗ trợ giá khi thị trường lo ngại xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn tiếp tục gia tăng

Đối với mặt hàng lúa mì Chicago, giá cũng giảm mạnh gần 2,1% về mức 195 USD/tấn trong phiên hôm qua. Dù mở cửa với sắc xanh nhẹ, giá lúa mì nhanh chóng mất đà và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.

Theo các chuyên gia, giá xuất khẩu lúa mì Nga tiếp tục giảm trong tuần qua khi vụ mùa mới đang đến gần và không ghi nhận thiệt hại đáng kể từ các đợt sương giá trước đó. Giá lúa mì Nga hàm lượng protein 12,5% giao FOB cuối tháng 3 – đầu tháng 4 giảm 2 USD xuống còn 247 USD/tấn so với tuần trước, theo công ty tư vấn IKAR. Trong bối cảnh giá giảm, xuất khẩu lúa mì của Nga vẫn duy trì tích cực. Sovecon đã nâng dự báo xuất khẩu lúa mì tháng 4 của Nga lên 2,3 triệu tấn, tăng so với ước tính trước nhờ nhu cầu mạnh từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu lúa mì của Mỹ có dấu hiệu chững lại. Số liệu từ báo cáo Export Inspections cho thấy giao hàng lúa mì trong tuần vừa qua chỉ đạt 310.000 tấn, giảm mạnh so với 649.000 tấn của tuần trước và thấp hơn mức 339.000 tấn cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu đối với lúa mì Mỹ đang suy yếu trong ngắn hạn.

Giá dầu tiếp đà suy yếu

Đà lao dốc của giá dầu tiếp tục được nối dài sang phiên giao dịch đầu tuần khi OPEC+ chính thức công bố quyết định tăng sản lượng cho tháng 6, thổi bùng lên những lo ngại về viễn cảnh dư thừa nguồn cung toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent dừng lại ở mốc 60,23 USD/thùng, giảm 1,73%. Tương tự, giá dầu WTI giảm tiếp 1,99%, xuống mốc 57,13 USD/thùng. Đây đều là hai mốc giá thấp nhất của hai mặt hàng này kể từ tháng 2/2021.

Áp lực giảm giá chủ yếu xuất phát từ quyết định của OPEC+ đưa ra vào ngày 3/5, theo đó nhóm này thống nhất nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6, tương tự mức tăng của tháng 5. Cộng với đợt tăng nhẹ hồi tháng 4, tổng mức tăng sản lượng của OPEC+ trong quý II đã lên tới 960.000 thùng/ngày. OPEC+ cho rằng động thái này dựa trên nền tảng thị trường dầu mỏ vẫn lành mạnh và tồn kho ở mức thấp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc tiếp tục nâng sản lượng trong bối cảnh triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu chưa rõ ràng có thể khiến thị trường đối mặt nguy cơ dư cung kéo dài. Ông Ole Hansen, chuyên gia phân tích tại Saxo Bank, nhận định: “Việc tăng sản lượng không chỉ nhằm thách thức nguồn cung dầu đá phiến Mỹ mà còn là động thái răn đe các thành viên liên tục vượt hạn ngạch.”

Thực tế, OPEC+ vẫn đang phải xử lý tình trạng một số thành viên như Iraq, Kazakhstan sản xuất vượt hạn ngạch, trong đó Kazakhstan thậm chí công khai tuyên bố không đặt trọng tâm vào việc cắt giảm sản lượng về mức cho phép của OPEC+. Những diễn biến này càng làm gia tăng lo ngại về sự dư thừa nguồn cung trên thị trường dầu mỏ.

Bên cạnh yếu tố nguồn cung, tâm lý thị trường còn chịu sức ép từ triển vọng nhu cầu suy yếu. Trong ngày 5/5, S&P Global công bố các chỉ số PMI dịch vụ và PMI tổng hợp đều giảm mạnh hơn dự báo, nối tiếp chuỗi tín hiệu tiêu cực về sức khỏe kinh tế Mỹ – nền kinh tế vừa trải qua quý giảm phát đầu tiên trong 3 năm.

Điểm sáng hiếm hoi giúp kìm hãm đà giảm của giá dầu đến từ kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và các đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với chỉ số PMI phi sản xuất do ISM công bố tích cực hơn dự đoán từ thị trường. Tuy nhiên, tổng thể, thị trường dầu mỏ vẫn đối mặt áp lực lớn từ nguy cơ dư cung khi mà triển vọng nhu cầu chưa thực sự cải thiện.