Cân đối, đáp ứng đủ nguồn lực để phòng chống dịch và phục hồi kinh tế

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội từ cuối năm 2021 đến những tháng đầu năm nay.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các chỉ số của nền kinh tế những tháng đầu năm nay là rất đáng mừng. Chiến lược tiêm vắc-xin của Việt Nam thuộc nhóm đầu của thế giới, thực hiện quyết liệt và được thế giới ghi nhận. Đặc biệt, thành công tại SEA Games 31 rất vang dội, được chúng ta tổ chức tốt với thành tích cao, ứng xử văn hóa, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, trong một năm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế vừa qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đặc biệt có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giãn hoãn thuế lên đến 129 nghìn tỷ đồng, miễn giảm 37 loại thuế, phí như thuế xăng dầu, hàng không, thuế trước bạ…, từ đó góp phần duy trì, tạo được đà phát triển cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Nguồn: Bộ Tài chính								    	     Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) bày tỏ ấn tượng với việc chúng ta đã cân đối, đáp ứng đủ các nguồn lực để thực hiện cả phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. “Trong lúc khó khăn, nếu không có nguồn lực sẽ không giải quyết được, mà như vậy sẽ gây hiệu ứng tâm lý và hiệu ứng với điều hành. Nhưng thực tế chúng ta vẫn bảo đảm các hàng hóa thiết yếu cho người dân, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng 1,84%, thấp hơn nhiều so với con số Chính phủ và Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ hai, cũng như là mức tăng giá tiêu dùng thấp nhất từ năm 2016 đến nay” - đại biểu Phạm Đình Toản nói.

Cho rằng "những thành quả nêu trên là bao nhiêu nỗ lực, niềm tin gửi gắm và rất đáng trân trọng", song Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, đây mới chỉ là kết quả bước đầu nên không được chủ quan, thỏa mãn. Bởi, khó khăn của người dân và doanh nghiệp là không thể bàn cãi do tác động của đại dịch trong thời gian dài. Những tháng còn lại của năm 2022, các đại biểu Quốc hội cũng nhận định “còn nhiều khó khăn”, trong khi chúng ta cũng phải đặt được mục tiêu tăng trưởng cao để có thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Chậm giải ngân đầu tư ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế

​​​​​Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo. Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.

Nhiều việc khó, phức tạp đã được Chính phủ tập trung xử lý

Điểm lại những kết quả kinh tế - xã hội năm vừa qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhiều việc khó, phức tạp đã được Chính phủ tập trung xử lý. Trong đó có những việc như hoàn thành dự án Cát Linh - Hà Đông, giải quyết cơ chế xử lý bù giá cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, hay hoàn thành phương án xử lý 3 ngân hàng 0 đồng…; xử lý 12 dự án thua lỗ, một số dự án đã được bàn giao và đi vào hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã tập trung đầu tư xây dựng các đường cao tốc, sân bay, như sân bay Long Thành, sân bay Điện Biên, các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông… trở thành sự đột phá lớn về cơ sở hạ tầng, tạo đường băng để phát triển kinh tế.

“Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu? Phải làm cho rõ. Thể chế là không vướng gì cả. Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt rồi, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa ” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhanh đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh đầu tư công cũng là cách chống lại lạm phát, bởi lên đơn giá nhanh, giải ngân nhanh sẽ đỡ chịu áp lực lạm phát nhiều. Công trình hoàn thành nhanh thì hiệu quả sử dụng càng cao. Ngược lại, nếu công trình kéo dài năm này qua năm khác thì giá tăng, hiệu quả thấp, doanh nghiệp lỗ, sức sống của nền kinh tế giảm đi.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu một thách thức lớn đối với tình hình kinh tế hiện nay là nỗi lo lạm phát khi giá cả hàng hóa đầu vào tăng. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng đi lên cũng đang gây áp lực lên các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, đến thu ngân sách, Bộ trưởng phân tích.

Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua đại dịch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh vấn đề cốt lõi lúc này là làm thế nào để tăng năng lực cho nền kinh tế, muốn vậy phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp, động lực quan trọng nhất để phục hồi và phát triển kinh tế. Muốn vậy mọi cấp, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, bởi “đường đi đến đâu thì trăm nghề phát triển đến đó”, giải quyết được vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư.

Đẩy mạnh số hóa, tăng cường quản lý thu ngân sách

Tại phiên họp tổ ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng phát biểu làm rõ một vấn đề được các đại biểu quan tâm là thu ngân sách vượt dự toán cao trong năm 2021 và có ý kiến cho rằng, nguồn vượt thu chủ yếu từ đất và dầu thô.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2021 thu ngân sách đạt 1.568 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán và vượt 3,8% so với số thực hiện của năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Trong đó, tiền thu sử dụng đất chỉ vượt 74,1 nghìn tỷ đồng, dầu thô chỉ vượt 21,4 nghìn tỷ đồng, do giá dầu thô tăng. Tỷ trọng tiền thu từ sử dụng đất theo dự toán là 8,3% tổng thu, thực hiện là 11,8%. Thu từ dầu thô theo dự toán chiếm 1,7%, thực hiện chiếm 2,9% tổng thu. Như vậy, nền kinh tế vẫn phát triển tích cực, nguồn thu từ đất và dầu thô không chiếm tỷ trọng lớn.

Về lý do vượt dự toán cao trong khi tăng trưởng thấp, Bộ trưởng giải thích tăng trưởng kinh tế 2,58%, thì thu ngân sách vượt so với năm ngoái là 3,8%. Trong khi thực hiện giảm thuế cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã tăng cường thu ngân sách ở những khu vực tiềm năng mà lâu nay chưa thu được như thu trên nền tảng số, bất động sản... Cùng với đó, việc đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử, mục tiêu đến 1/7 thực hiện được 7 tỷ hóa đơn, nghĩa là 100% doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Khi đã sử dụng hóa đơn điện tử thì các giao dịch phát sinh đều thể hiện trên hóa đơn, qua đó thu từ thuế giá trị gia tăng tăng lên.

Báo cáo về tình hình thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng cho biết đã thu đạt 44,6% dự toán, tăng 15,4% so với năm 2021. Đến ngày 22/5 đã thu được 758 nghìn tỷ đồng, đạt 54% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện sức sản xuất của nền kinh tế đang phục hồi và phát triển. Điều quan trọng lúc này là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, đặc biệt là dùng đầu tư công để làm vốn mồi, thu hút đầu tư.