Điểm sáng là kinh tế vĩ mô ổn định

Sau 6 tháng nền kinh tế cơ bản trên đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới, từ quý III, kinh tế sụt giảm mạnh ở mức thấp nhất kể từ khi GDP được đo lường chính thức. Hai đầu tàu kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các động lực tăng trưởng cũng bị tổn thương đáng kể. Điểm sáng ít ỏi năm qua là xuất nhập khẩu khi kim ngạch 11 tháng ước tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Yêu cầu và áp lực đổi mới đang lớn hơn bao giờ hết

Chuyển đổi số, đưa kinh tế số vào nông nghiệp nông thôn là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn chưa từng có đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đa số dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt 1,5 – 2%. Trong bối cảnh đó, một điểm sáng đáng ghi nhận là kinh tế vĩ mô vẫn giữ ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được đảm bảo, cho dù cả cung và cầu của nền kinh tế suy giảm mạnh trước tác động của đại dịch. Chỉ số CPI 11 tháng tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đến 25/11 đạt trên 10%. Thu ngân sách cả năm ước vượt dự toán, bội chi không quá 4% GDP. Hai năm qua, trước tác động của đại dịch, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bước sang năm 2022, dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế nước ta là 6,6%. Mà với tăng trưởng khoảng 2% của năm 2021, để đạt mục tiêu tối thiểu của nhiệm kỳ về tăng trưởng GDP là 6,5%, thì tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%.

Phân tích xem xét diễn biến tăng trưởng kinh tế nước ta trong hơn 30 năm qua, trong đó có 3 kỳ khủng hoảng, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, từ năm 2004 đến nay, chưa năm nào tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức 7,5%. Năm 2022, có khả năng tăng trưởng chỉ ở mức 4 - 5%, là mức rất thấp so với mục tiêu nhiệm kỳ. “Yêu cầu và áp lực đổi mới, hành động nhanh, mạnh đang lớn hơn bao giờ hết và trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ để có thể đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2021 - 2025. Nếu không, tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của nhiệm kỳ này chỉ ở mức khoảng 5%” – TS. Nguyễn Đình Cung cho hay.

Cùng quan điểm này, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, mức tăng trưởng của năm 2021 là thấp nhất từ bắt đầu công cuộc đổi mới. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hơn 30 năm qua giảm dần, mỗi kỳ chiến lược giảm từ 0,5 - 0,9 điểm % và phục hồi kinh tế sau khủng hoảng không cao đột biến. Do vậy, buộc phải có cải cách, tái cơ cấu đủ mạnh để đạt mục tiêu của Đại hội XIII.

Chương trình phục hồi gắn với đẩy mạnh cải cách

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Đề án tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo các chuyên gia, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, rất cần có các giải pháp mạnh mẽ, khác biệt và quyết liệt hơn bổ sung cho các giải pháp đã có.

Trước hết, cần có một chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ít nhất 2 năm 2022 - 2023. Với nền tảng vĩ mô của nước ta đã được củng cố tốt hơn 10 năm trước, có thể điều hành linh hoạt theo hướng chấp nhận tăng bội chi, lạm phát… năm 2022 và giảm dần trong các năm sau để có dư địa hỗ trợ kinh tế nhưng vẫn đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chương trình này ước tính cần nguồn lực 8 – 12 tỷ USD và tập trung tăng năng lực y tế, thêm gói an sinh xã hội để kích cầu, thực hiện các gói giãn giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, và cuối cùng là đẩy nhanh các dự án hạ tầng quan trọng.

Bên cạnh chương trình phục hồi kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, việc đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Đó là phát triển và hoàn thiện các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; đưa kinh tế số vào nông nghiệp và nông thôn.

Phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong chuyển từ giao công cụ sản xuất sang giao tài sản cho nông dân. Thị trường quyền sử dụng đất sẽ tăng thêm quyền cho nông dân trong bảo vệ đất đai của mình, giúp nông dân vốn hóa quyền sử dụng đất; đất nông nghiệp sẽ được sử dụng công bằng hơn, hiệu quả hơn và tạo ra khối lượng vốn lớn cho nền kinh tế. Từ đó sẽ tạo ra một cuộc canh tân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. “Thực hiện được mục tiêu này sẽ huy động được nhiều nguồn lực hơn, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, từ đó đạt được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí vượt quá mục tiêu chiến lược” – TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Về quản lý nhà nước, TS. Lê Đăng Doanh đề nghị cụ thể hóa cơ chế bảo vệ và động lực khuyến khích để cán bộ dám nghĩ, dám sáng tạo, dám làm vì sự phát triển đất nước. “Sáu dám cần có điển hình tiên tiến từ thực tế” – TS. Lê Đăng Doanh nói.

Đề xuất thu hẹp đối tượng đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất thu hẹp tối đa đối tượng đầu tư công, “tập trung vốn đầu tư công vào các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước…”. Chính phủ sớm ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về phương pháp và tiêu chí đánh giá, ước tính cụ thể hiệu quả kinh tế của từng dự án đầu tư; nội dung này phải thể hiện đầy đủ, đậm nét trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải là công việc thường xuyên để mỗi bộ, ngành và địa phương có một “kho” các dự án với chủ trương đầu tư đã chuẩn bị kỹ, có chất lượng cao.