giảm nghèo bền vững

Mô hình trồng bưởi Diễn thoát nghèo của một hộ gia đình tại thị trấn Thanh Thủy, Phú Thọ. Ảnh nguồn: Phuthoonline

Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/xã nghèo, biên giới đặc biệt khó khăn

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thẩm định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu (CTMT) Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động và CTMT Hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính nhất trí về chủ trương đầu tư CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 như đề xuất của cơ quan chủ trì là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong đó, phạm vi thực hiện sẽ bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn, bản ĐBKK.

Đồng thời, đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo; nâng cao năng lực và truyền thông sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên đối với địa bàn các huyện nghèo, các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn, bản ĐBKK.

Đối với CTMT Hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, Bộ Tài chính đề nghị tách riêng nội dung phát triển hệ thống cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí thành 1 dự án riêng để thuận lợi trong việc phân bổ định mức vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020.

Do một số dự án thuộc CTMT là mới so với giai đoạn 2011-2015 nên kinh phí thực hiện sẽ bố trí theo khả năng ngân sách nhà nước năm 2016. Từ năm 2017, kinh phí bố trí tăng trung bình hàng năm là 5% so với năm 2016 (cả vốn sự nghiệp và đầu tư).

Về các dự án thành phần, Bộ Tài chính đề nghị không tiếp tục đưa vào CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đối với dự án Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Lý do đây là hoạt động về hỗ trợ xuất khẩu lao động trong dự án “Chương trình 30a” giai đoạn 2011-2015, nên cân nhắc chuyển sang CTMT Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và Dạy nghề cho phù hợp với tính chất và nội dung của dự án.

Nguồn kinh phí thực hiện toàn bộ chương trình, Bộ Tài chính thống nhất với mức phân bổ vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng/xã đối với xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển và hải đảo, xã khác thuộc huyện nghèo; 300 triệu đồng/thôn đối với các thôn, bản ĐBKK. Đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, đề nghị bố trí mức tăng khoảng 8%/năm để đảm bảo phù hợp khả năng cân đối ngân sách.

Còn về vốn sự nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến tăng 8%/năm. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng, bằng 140% vốn bố trí giai đoạn 2011-2015. Nguồn vốn này để thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình; hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, giảm nghèo dựa vào cộng đồng; và nâng cao năng lực, truyền thông (đã bao gồm hoạt động đưa thông tin về cơ sở) kết hợp giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Tăng 5%/năm kinh phí đào tạo nghề, việc làm

Cũng tại văn bản này, cho ý kiến về CTMT Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc việc triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nên lựa chọn đối tượng và địa bàn thực hiện để đảm bảo theo đúng quy định về CTMT tại Luật Đầu tư công.

Đồng thời, hiện nay, dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn bao gồm đào tạo nghề cho người khuyết tật thuộc khu vực thành thị. Do đó, việc đưa dự án này vào CTMTQG về xây dựng nông thôn mới là không phù hợp về phạm vi.

Mặt khác, giai đoạn tới việc đầu tư xây dựng cơ bản của dự án đã hoàn thành, dự án chủ yếu tập trung vào thực hiện các hoạt động đào tạo nghề bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp. Do đó, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cân nhắc giữ nguyên dự án trên là 01 dự án thành phần của CTMT Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thống nhất không tiếp tục đưa dự án Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm vào CTMT giai đoạn 2016-2020, mà ngân sách nhà nước chuyển vốn trực tiếp cho Ngân hàng chính sách Xã hội để cho đối tượng vay theo chính sách hiện hành.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị không đưa vào các nhiệm vụ thường xuyên, đã được bố trí kinh phí trong ngân sách của các Bộ, ngành tại dự án thành phần “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.

Đối với hỗ trợ người lao động tham gia học nghề đi xuất khẩu lao động, chỉ hỗ trợ đối với đối tượng người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và thân nhân của họ, người khuyết tật, lao động nữ, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân theo chính sách hiện hành.

Đồng thời trên cơ sở kết quả giai đoạn 2011-2015, lựa chọn ngành, nghề đào tạo trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2016-2020, từ đó xác định danh mục các trường, các ngành, nghề cần tập trung ưu tiên đào tạo để đưa vào Chương trình.

Để thực hiện toàn bộ chương trình này, Bộ Tài chính dự kiến giai đoạn 2016-2020, kinh phí bố trí tăng khoảng 5%/năm, tương đương bằng khoảng 128% so với giai đoạn 2011-2015./.

N.P