Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: HỒNG VÂN

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hồng Vân

Tốc độ tăng trưởng đạt hơn 6%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Cụ thể, chỉ số sản xuất 9 tháng của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: kim loại tăng 28,4%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%; trang phục tăng 4,8%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,4%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2%.

Đáng chú ý, nếu như trong quý I, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%, quý II tăng 13,35%, thì đến quý III lại sụt giảm 3,24%. Lý giải nguyên nhân, các nhà chuyên môn cho rằng, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Chỉ số sản xuất của một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như TP. Hồ Chí Minh giảm 12,9%; Bến Tre giảm 11,2%; Đồng Tháp giảm 9,9%; Cần Thơ giảm 9,8%; Khánh Hòa giảm 9,5%; Trà Vinh giảm 7,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 5,3%; Vĩnh Long giảm 4,5%...

Khảo sát cho thấy, đa số doanh nghiệp đánh giá hoạt động quý III khó khăn hơn, nhu cầu thị trường thấp, đơn đặt hàng mới giảm, thiếu nguyên, nhiên, vật liệu, thiếu lao động, nguồn tài chính cạn kiệt… chỉ có doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất trang phục vẫn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tăng hơn quý trước. Song, các doanh nghiệp cũng lạc quan tin tưởng quý IV/2021, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ được cải thiện tốt hơn. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, ngành sản xuất đồ uống… có số lượng đơn đặt hàng đang trên đà gia tăng.

Giảm thiểu đứt gãy sản xuất

Nhìn nhận chung về bức tranh sản xuất công nghiệp, Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng công nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch. Tình trạng đứt gãy sản xuất xảy ra khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có được các đơn hàng, hợp đồng tương đối lớn từ đầu năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, phải thực hiện cách ly, khiến họ không đáp ứng được yêu cầu đơn hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động… và tất nhiên, việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại khi phục hồi sản xuất sau giai đoạn dịch bệnh, nhất là lao động có tay nghề, chuyên môn sẽ gặp không ít trở ngại.

Riêng đối với các ngành cơ khí, điện tử, chắc chắn việc phục hồi sẽ khó khăn hơn rất nhiều do đặc trưng là ngành nghề yêu cầu lao động có trình độ cao và gặp vô vàn khó khăn với vấn đề nhập cảnh, gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, nước ta cần đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, nhất là các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh công nghiệp trọng điểm trong khu vực Đông Nam Bộ, Bình Dương, Đồng Nai…; giảm thiểu tối đa sự đứt gãy chuỗi sản xuất và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, về phía các địa phương cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng dịch cho cán bộ công nhân viên và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, địa phương cần tích cực vào cuộc, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để tìm phương án tháo gỡ; kịp thời triển khai các chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp…

Song song với đó, bộ ngành và địa phương đảm bảo thông suốt cho hoạt động xuất khẩu thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nút thắt trong lưu thông hàng hoá, vận hành nguồn tài chính thông suốt, tổ chức thực hiện kịp thời gói hỗ trợ để kích thích sản xuất cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ, dẫn dắt của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần vừa tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa nỗ lực thích ứng với tình hình mới, khẩn trương xây dựng phương án phục hồi, trở lại sản xuất kinh doanh an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tế.

Bên cạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Theo Báo cáo “Xu hướng sản xuất - kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III và dự báo quý IV” của Tổng cục Thống kê, chỉ có 38,6% trong số 5.663 doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết hoạt động sản xuất - kinh doanh quý III tốt lên và giữ ổn định so với quý II. Còn lại, 61,4% doanh nghiệp chia sẻ hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ đang khó khăn hơn so với thời gian trước đó.

Tố Uyên