Ngày 15/7, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới tổ chức Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng 2045”.

Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh

Với mục tiêu tăng trưởng đạt mức 2 con số, đưa đất nước trở thành nền kinh tế nổi bật, sánh vai cùng các nền kinh tế trong khu vực, giai đoạn 2025 – 2030 tại Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) được Đảng và Nhà nước xác định là giai đoạn cần được chú trọng với nhiều chỉ đạo thay đổi trong mô hình tăng trưởng, chuyển đổi từ mô hình dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sang dựa vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí hội nhập kinh tế quốc tế, đưa Việt Nam ngày một vươn cao.

Động lực nào cho mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030?
TS. Lê Xuân Sang trình bày đề xuất về hướng điều chỉnh mô hình tăng trưởng cho Việt Nam.

Đề xuất hướng điều chỉnh mô hình tăng trưởng, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cho rằng, trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng và ban hành, chỉnh sửa hệ thống động lực mới. Đồng thời, triển khai các giải pháp khác để tăng chất lượng thể chế; Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp liên quan khác, từng bước tiệm cận dần vào ngưỡng thu nhập cao...

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thực sự nhanh và mạnh mẽ như kỳ vọng.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ở một số nước Đông Á trong điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế.

Nêu một số gợi ý chính sách cho Việt Nam, vị chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh tới việc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho phát triển các thành phần kinh tế rộng rãi.

Bên cạnh đó, theo ông, Việt Nam cần thực hiện các chương trình hỗ trợ theo kết quả đạt được (performance-based), tập trung vào nghiên cứu phát triển, không phân biệt loại hình doanh nghiệp; Thúc đẩy cơ chế khởi nghiệp, không lựa chọn ngành nghề, để mở rộng sự đa dạng kinh tế.

Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh quốc tế qua tiếp thu công nghệ, đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân theo mạng lưới cung cấp/phân phối; nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các ngành dịch vụ, thúc đẩy bởi công nghệ và đổi mới sáng tạo; và từng bước thúc đẩy nghiên cứu cơ bản khi tiệm cận giới hạn công nghệ toàn cầu.

Phát triển "Khu đổi mới sáng tạo"

Nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, PGS.TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (trước đây) cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó khoa học công nghệ là mấu chốt.

Xác lập mô hình tăng trưởng nào cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030?
Các diễn giả tại phiên thảo luận.

Ông Lê Xuân Bá cũng thẳng thắn thừa nhận, khoa học công nghệ ở Việt Nam phát triển chưa được như ý. Do vậy, bên cạnh việc tăng đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực này, cần thay đổi cách đặt hàng khoa học công nghệ của Nhà nước theo hướng xác định những lĩnh vực nào cần đặt hàng, còn lại là vai trò của thị trường…

Đồng thời, cần khơi dậy tinh thần phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam hơn nữa. "Công tác cải cách, sắp xếp bộ máy do bớt được khâu trung gian nên sẽ phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, qua đó khoa học công nghệ cũng sẽ phát triển tốt hơn. Tôi kỳ vọng bộ máy mới sau sắp xếp sẽ tạo được môi trường khuyến khích, động viên đổi mới sáng tạo tốt hơn" - Ông Lê Xuân Bá kỳ vọng.

Một góc nhìn khác, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Tài chính) nhấn mạnh tới tính đột phá của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông Đỗ Tiến Thịnh cũng đặc biệt lưu ý tới việc phải có "Khu đổi mới sáng tạo" và cho hay: “Việt Nam có nhiều khu kinh tế, khu chế xuất, khu thương mại tự do… nhưng chưa có Khu đổi mới sáng tạo. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải có Khu đổi mới sáng tạo để thúc khoa học công nghệ phát triển”.

Theo ông Thịnh, trên một số lĩnh vực cần chú trọng, hiện chưa có cơ chế chính sách cho công trình sư, kỹ sư trưởng. “Cần thay đổi cách làm theo cách tuyển người trước, sau đó ra dự án, dự toán thay vì cách truyền thống là ra dự toán, dự án, tuyển người …” - ông Thịnh đề xuất./.

Về điều chỉnh mô hình tăng trưởng, ông Đỗ Tiến Thịnh cho biết, cần chú ý câu chuyên việc làm và thất nghiệp trong thời gian tới khi AI phát triển. Đồng thời, cần phát huy vai trò nhà nước kiến tạo, tạo ra các không gian mới có nhu cầu về khoa học công nghệ…