ipo

Doanh nghiệp dân doanh còn nhiều dư địa phát triển

Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ đã có đánh giá, so sánh tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 giữa các khu vực DNNN, công ty cổ phần có vốn góp nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh.

Theo số liệu được báo cáo, DN dân doanh là khu vực nắm giữ tổng tài sản lớn nhất, trị giá 26.559.099 tỷ đồng, tăng 15,26% so với năm 2017. Số tài sản này gấp 9 lần tổng tài sản của DNNN, gấp 34 tổng tài sản của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước và gấp 5 lần tổng tài sản của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Vốn chủ sở hữu của nhóm này (8.719.050 tỷ đồng, tăng 21,63%) cũng lớn gấp 6 lần tổng vốn chủ sở hữu của DNNN, gấp 29 tổng vốn chủ sở hữu của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước và gấp 3 lần các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, dù có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (NSNN 365.422 tỷ đồng), song chỉ 38% số DN dân doanh hoạt động có lãi. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn và trên tổng tài sản cũng ở mức thấp nhất so với các khu vực DN còn lại, lần lượt 6,76% và 2,22%. Điều này cho thấy khu vực DN dân doanh còn rất nhiều dư địa để phát triển; đòi hỏi bên cạnh việc mở rộng số lượng DN thì cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN dân doanh, hỗ trợ các DN dân doanh phát triển. Như vậy, đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài có ưu thế về khoa học kỹ thuật, áp dụng quản lý tiên tiến, được ưu đãi nhiều về cơ chế, chính sách (như về thuế, đất đai, lao động...), hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận cao, tuy nhiên lại chỉ đóng góp vào NSNN chỉ bằng 70% so với DNNN.

Cụ thể, tổng doanh thu của nhóm này năm 2018 là 6.307.508 tỷ đồng, tăng 15,81% so với năm 2017. Song lợi nhuận trước thuế là 343.390 tỷ đồng, giảm 1,31% và nộp NSNN 186.371 tỷ đồng, tăng 8,25% so với năm 2017. Trong khi đó, tổng doanh thu của nhóm DNNN là 1.559.096 tỷ đồng (bằng 1/4 khối DN có vốn nước ngoài), tăng 9%; lợi nhuận trước thuế là 165.751 tỷ đồng (bằng gần một nửa của nhóm DN có vốn nước ngoài). Tuy nhiên, mức nộp NSNN của nhóm DNNN là 267.982 tỷ đồng, cao hơn nhiều nhóm DN có vốn nước ngoài.

DNNN có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế

Xét về hiệu quả, các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước là nhóm DN hoạt động hiệu quả nhất so với các DN khác. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên tổng tài sản của nhóm này là 15,98% và 6,28%, cao nhất trong 4 nhóm DN. Điều này đã khẳng định sự đúng đắn và chính xác trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước DN.

Về nhóm các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước, đây là khu vực có đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa hoạt động có hiệu quả (gần tương đương các DN có vốn nước ngoài, chỉ sau các công ty cổ phần có vốn góp nhà nước); đóng góp quan trọng cho NSNN để phục vụ đầu tư phát triển (đóng góp đứng thứ hai, sau khu vực tư nhân); vừa đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế, chính trị, quốc tế khác.

Để có các kết quả này, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và các bộ, ngành đã thường xuyên quan tâm, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả của công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, khẩn trương, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời ban hành quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, trong đó có các DNNN nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.

Những năm qua các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và DN có vốn nhà nước.

Định kỳ Bộ Tài chính đã thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng quý, hàng năm về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN theo đúng quy định. Định kỳ tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo tình hình cổ phần hóa, thoái vốn tại các Báo cáo tổng hợp thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, trong đó nêu cụ thể các nội dung về kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, tình hình triển khai thực hiện, nhận xét, đánh giá, nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại và nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN.

H.Y