CA

Theo ADB, phần lớn các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay và năm 2022. Ảnh minh họa: TL

Các nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng

Nền kinh tế khu vực được dự báo phục hồi sau khi tăng trưởng -0,2% trong năm 2020. Tăng trưởng của khu vực được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống còn 5,3% trong năm 2022. Ngoại trừ những nền kinh tế công nghiệp mới là Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Đài Bắc (Trung Quốc), các nền kinh tế đang phát triển của châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm nay và 5,6% trong năm 2022.

Theo ADB, phần lớn các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay và năm 2022. Các nền kinh tế Trung Á dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 3,4% trong năm nay và 4,0% trong năm tới. Các nền kinh tế Thái Bình Dương vẫn bị ảnh hưởng bởi hạn chế đi lại toàn cầu và sự suy sụp của ngành du lịch sẽ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay là 1,4%, sau đó tăng lên 3,8% trong năm 2022.

Xuất khẩu mạnh mẽ và tiêu dùng hộ gia đình dần phục hồi sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế ở Trung Quốc trong năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc dự báo tăng 8,1% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022. GDP của khu vực Đông Á dự báo tăng trưởng 7,4% trong năm 2021 và 5,1% trong năm 2022.

Tại khu vực Đông Nam Á, các nền kinh tế dự kiến phục hồi ở mức tăng trưởng dương trong năm 2021. Việt Nam được dự báo là quốc gia sẽ có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng năm 2021 đạt 6,7% và năm 2022 là 7%.

Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 11% trong năm tài khóa 2021 kết thúc vào ngày 31/12/2022, với động lực mạnh mẽ là vắc-xin. Tuy nhiên, tình trạng bùng phát dữ dội của COVID-19 trong những ngày gần đây ở quốc gia này là một rủi ro lớn cho đà phục hồi. GDP của Ấn Độ dự báo tăng trưởng 7,0% trong năm tài khóa 2022.

Trong năm nay, tăng trưởng GDP của khu vực Nam Á dự báo phục hồi mạnh lên 9,5% sau khi tăng trưởng -0,6% vào năm 2020, sau đó sẽ giảm xuống còn 6,6% trong năm sau.

Tiến độ triển khai vắc-xin ảnh hưởng tới sự phục hồi của mỗi quốc gia

Theo ông Yasuyuki Sawada - Kinh tế trưởng của ADB, tăng trưởng đang lấy lại đà trong toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển châu Á, nhưng những đợt bùng phát COVID-19 mới đây đang đe dọa tiến trình phục hồi. Các nền kinh tế trong khu vực đang đi những con đường khác nhau. Quỹ đạo tăng trưởng của các nước được định hình bởi mức độ bùng phát dịch trong nước, tốc độ triển khai vắc-xin và mức độ hưởng lợi của họ từ sự phục hồi toàn cầu.

ADB nhận định, xuất khẩu gia tăng đang thúc đẩy một số nền kinh tế đang phát triển của châu Á trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu gia tăng, bao gồm sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo. Tiến độ sản xuất và phân phối vắc-xin COVID-19 đóng góp vào đà tăng trưởng này, song đại dịch vẫn là rủi ro lớn nhất đối với khu vực, với khả năng tiến độ triển khai vắc-xin bị chậm trễ hoặc các đợt bùng phát lớn mới sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Những rủi ro khác bao gồm căng thẳng địa chính trị gia tăng, sản xuất tắc nghẽn, tài chính hỗn loạn do thắt chặt các điều kiện tài chính và những vết sẹo lâu dài do đại dịch để lại, ví dụ tổn thất trong lĩnh vực giáo dục do trường học phải đóng cửa.

Lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á dự báo sẽ giảm xuống còn 2,3% so với 2,8% năm ngoái, khi áp lực giá lương thực đã giảm đi ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tỷ lệ lạm phát của khu vực được dự báo tăng lên 2,7% vào năm 2022.

Báo cáo lần này cũng tìm hiểu về chi phí của việc đóng cửa trường học do đại dịch trên toàn bộ khu vực châu Á đang phát triển. Các nước đang sử dụng phương thức học từ xa, nhưng giải pháp này chỉ hiệu quả phần nào vì nhiều sinh viên, học sinh không tiếp cận đủ với máy tính và Internet. Những gián đoạn này sẽ ảnh hưởng đến những kỹ năng mà người học tiếp nhận và cuối cùng là ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của họ khi bước vào làm việc trong tương lai.

Theo tính toán của ADB, mức tổn thất học tập có thể từ 8,0% thời lượng một năm học ở khu vực Thái Bình Dương, nơi các trường học hầu như vẫn mở cửa bình thường, đến 55% ở Nam Á, nơi có thời gian đóng cửa trường học dài nhất. Giá trị hiện tại của thu nhập giảm sút trong tương lai của học sinh, sinh viên ước tính khoảng 1,25 nghìn tỷ USD đối với khu vực châu Á đang phát triển, tương đương 5,4% GDP của khu vực trong năm 2020.

Mai Lâm