cay xanh

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: H.Q

>> Chủ tịch Hà Nội dừng việc chặt hạ cây xanh, yêu cầu Sở Xây dựng kiểm điểm

>> Liên quan đến việc chặt hạ 6.700 cây xanh

>> Vụ đốn hạ 6.700 cây xanh: Một loạt cán bộ của Sở Xây dựng Hà Nội bị đình chỉ công tác

"Có bệnh nên chữa chứ đừng chôn"

Tại Tọa đàm, GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, việc cây xanh bị bệnh là chuyện hết sức bình thường, vấn đề là cứu hay không cứu.

“Cây cũng như con người, có lúc khỏe lúc yếu, theo nghiên cứu cây trồng có khoảng hơn 600 loại bệnh. Tuy nhiên, các loại bệnh này đều có thể chữa được, có bệnh thì phải chữa chứ không phải mang chôn”, GS. Nguyễn Lân Dũng nói.

GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, ông có may mắn đã đi được 30 thủ đô các nước trên thế giới, không có thủ đô nào như ở Hà Nội. Khi mở rộng, Hà Nội là Thủ đô lớn thứ 3 trên thế giới, thậm chí còn ưu điểm hơn vì có nhiều hồ và cây.

GS. Nguyễn Lân Dũng phân tích: "Chúng ta thấy nhiều thủ đô hoành tráng, nhưng cây xanh thì thua chúng ta. Giờ chúng ta lại chặt tới 6.700 cây xanh, tức là 1/7 tổng số cây ở Hà Nội. Tôi thử tưởng tượng rằng nếu đầu tôi rụng mất 1/7 tóc đi thì thành cái đầu hói mất. Việc Hà Nội không thèm quan tâm tới ý kiến của các nhà khoa học, không quan tâm tới bức xúc của người dân là một điều khó hiểu".

Vị GS này còn đề nghị, "việc thanh tra chuyện chặt cây ở Hà Nội phải để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, vì đến nay truyền thông các nước lớn trên thế giới đều đã lên tiếng cả rồi, nên không thể để Hà Nội thanh tra".

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) cho rằng, qua đề án 6.700 cây xanh và những phát biểu của lãnh đạo các đơn vị liên quan vừa qua cho thấy “họ chưa hiểu hết về chức năng của cây xanh đô thị, tác dụng và tác hại của nó”.

Cây xanh có tác dụng lớn đối với chất lượng cuộc sống, cây cối như một người bạn với con người, cùng sinh ra và lớn lên. Thế mà cùng được 40-50 tuổi rồi mà chặt hàng loạt cây xanh như thế…

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, trước đây ông từng được mời tham tham gia vào đề án đánh giá tác động môi trường cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. GS Đăng khẳng định, “trong đề án đó không hề nhắc tới việc phải chặt hạ hàng cây xà cừ dọc hai bên đường Nguyễn Trãi”.

Theo ông Đăng, khi thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nếu thấy không chặt hàng cây dọc đường Nguyễn Trãi sẽ không thể thi công được thì phải thành lập hội đồng đánh giá, lập hồ sơ và gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định; được phê duyệt thì mới được thực hiện.

Thực chất bao nhiêu cây bị chặt?

GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, lãnh đạo Hà Nội nói rằng đã chặt hạ 500 cây, nhưng ông lại nghe được thông tin nói rằng đã có hơn 1.000 cây bị chặt.

Còn luật sư Trần Vũ Hải nhẩm tính, đường Nguyễn Chí Thanh đã chặt hạ gần 400 cây, đường Nguyễn Trãi 500 cây là thành 900 cây rồi, nên con số Hà Nội liệu có đáng tin.

“Tôi có người bạn đã đi lòng vòng qua nhiều tuyến phố và thấy phố nào cũng có gốc cây bị chặt hạ. Người bạn này đã nhẩm tính phải có khoảng 2.000 cây bị chặt hạ rồi chứ không thể là 500 cây được”, ông Hải nói.

TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam cho biết, đã lấy mẫu cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh đem về nghiên cứu. TS.Hiệp khẳng định, cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm.

“Chắc chắn đó là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm. Mà là cây mỡ bình thường, gỗ không tốt, nó là nguyên liệu trồng để làm giấy ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái, đường kính 20 cm đã cưa rồi. Bộ lá của nó thưa, nó không thể thích hợp ở đây được. Tôi dự đoán khả năng chết rất cao, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hà Nội có lúc nắng nóng tới 40-45 độ thì khả năng chết rất cao”, ông Hiệp nói.

GS. Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, 10 năm nữa những cây mỡ mới được trồng lại cũng chắc chắn không có bóng mát đâu, bởi cành nó bằng ngón tay thôi. Chúng ta không nên quan tâm hàng cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay mỡ, bởi cả 2 loại cây này đều không phù hợp để làm cây xanh ở Hà Nội.

Theo các chuyên gia những cây này phải được trồng ở độ cao 300 - 400 m so với mực nước biển, mà Hà Nội chỉ có cao hơn 5-6m so với mặt nước biển, đồng thời, thổ nhưỡng ở nơi có mật độ dân cao như các khu đô thị khi đưa cây vào trồng phải được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng./.

Hồng Quyên