Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn trong chống buôn lậu
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc

Tại Diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 11/1/2023, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn cho biết, trong năm 2023, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể, kịp thời, các đơn vị thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, nên công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đã có thu được những kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết thêm, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022). Nhiều vụ việc, vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn trong chống buôn lậu

Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… để bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng góp phần ổn định thị trường trong nước là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần thiết phải tiếp tục có được sự đồng thuận, đồng lòng và quyết liệt hơn của cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Bộ Công thương.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục diễn ra, với những thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật.

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên, theo ông Bùi Trung Nghĩa, trước hết là do chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào nhiệm vụ này, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại từ gốc. Một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, sơ hở. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, mức độ tính răn đe còn thấp.

Một trở ngại cần được kể đến là nhận thức chưa đầy đủ của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng đối với việc kinh doanh, tiêu thụ và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là trong quá trình tham gia các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng phát triển và phổ biến hiện nay. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ và các quy định của pháp luật chưa cao, còn biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật... dẫn đến kết quả công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được như mong muốn.

Kỳ vọng vào các giải pháp của cơ quan chức năng

Quang cảnh buổi toạ đàm

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phỉ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH SYA QUA AND chia sẻ, buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp. Vấn đề này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thuế của Nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn trong kinh doanh sản xuất do thị trường bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, lại chịu tác động nặng nề của nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Thực trạng này nếu kéo dài thì doanh nghiệp khó trụ vững trong năm 2024. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh các giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hoạt động buôn bán, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả… để bảo về quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính được cơ quan nhà nước triển khai trong thời gian tới” - bà Nguyễn Thị Phỉ nói.

Tại diễn đàn, đại diện Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) cho hay, để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, doanh nghiệp đã triển khai dùng mã QR biến đổi để xác thực thông tin sản phẩm. Tất cả sản phẩm giàn pháo hoa của nhà máy sản xuất trên bao bì nhãn mác đều có gắn 1 mã QR code biến đổi, người tiêu dùng có thể sử dụng các phần mềm quét mã QR để xác thực thông tin sản phẩm chính hãng. Nếu là hàng giả, hàng nhái khi quét mã QR code không có thông tin sản phẩm trên hệ thống…

Mặc dù doanh nghiệp đã rất nỗ lực áp dụng các biện pháp bảo vệ thương hiệu nhưng trên mạng xã hội hiện nay, không khó để liên hệ và mua sản phẩm pháo hoa mang thương hiệu của công ty, tuy nhiên nếu không tỉnh táo người dân có thể mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, không đảm bảo an toàn; chúng tôi khuyến cáo người dân nên tìm hiểu và mua các sản phẩm chính hãng tại các cửa hàng của Nhà máy để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn.

“Đề nghị các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để phát hiện, ngăn chặn cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp làm giả, làm nhái các loại sản phẩm để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cũng như sức khoẻ người tiêu dùng…” - đại diện Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 nhấn mạnh.

Cơ quan hải quan phát hiện xử lý hơn 14.600 vụ vi phạm

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024, lực lượng kiểm soát hải quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, góp phần bảo vệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Công tác này đã được cơ quan hải quan thực hiện đạt kết quả đáng ghi nhận trong năm 2023. Theo con số thống kê, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 474 tỷ đồng.