Chạy “nước rút” để giải ngân vốn đầu tư công
Các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp để gấp rút giải ngân được hết số vốn được giao. Ảnh tư liệu
51 bộ, ngành, cơ quan, địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức chung cả nước

Thời gian ngắn, lượng vốn nhiều

Giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 355.616,1 tỷ đồng đã đến được các dự án, công trình.

Nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân đạt thấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện có 15 bộ, ngành và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước; 29 bộ, ngành và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Đánh giá về tỷ lệ giải ngân 10 tháng, theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính là thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông vận tải cao không đồng đều. Hơn nữa, ngoài một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng cao thì vẫn còn có tới 51 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Đặc biệt, việc một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (TP. Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch vốn cả nước nhưng mới giải ngân được 19,63%; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch vốn cả nước, giải ngân cũng mới chỉ đạt 44,62%).

Thời gian không còn nhiều, nhưng lượng vốn cần giải ngân còn rất lớn. Ông Dương Bá Đức cho biết, đây là áp lực lớn đối với các bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ, ngành, địa phương đang có tỷ lệ giải ngân thấp.

Quyết liệt các giải pháp, “chạy đua” cùng thời gian

Phấn đấu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu cả nước về tiến độ giải ngân. Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân 10 tháng của tỉnh này đạt 70,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 64,59% kế hoạch tỉnh giao. Vậy nhưng, đến thời điểm này, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh vẫn rất chậm; tiến độ chuẩn bị hồ sơ các dự án khởi công mới của Thanh Hoá có thời gian thực hiện từ 2022 – 2025 là rất chậm; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở một số huyện chưa đạt mục tiêu đề ra.

Điều đáng nói là tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn 31 chủ đầu tư và 1 số huyện giải ngân thấp như: Ban quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; huyện Nga Sơn, huyện Nông Cống…

Với mục tiêu đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao, ngoài các giải pháp đã và đang được tỉnh thực hiện hiệu quả, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vừa phát động chiến dịch 60 ngày đêm tăng tốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, bất luận khó khăn, thách thức. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao và yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành luôn nêu cao tinh trách nhiệm trong thực thi công việc.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang có tỷ lệ giải ngân rất cao cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, đặc thù dự án của ngành GTVT là cầu, đường, trải dài khắp mọi miền Tổ quốc nên phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thời tiết, khí hậu, địa chất. Trong khi đó, tại nhiều vùng, địa phương vào thời điểm cuối năm lại là mùa mưa, bão lũ nên đã ảnh hưởng rất lớn tới việc thi công.

Để giải ngân hết nguồn vốn, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, đơn vị đang tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ tại những nơi thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh thi công các dự án; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu…

Hai “đầu tàu” kinh tế của cả nước cũng đang đưa ra các giải pháp để chạy đua cùng thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hết 10 tháng ước tỷ lệ giải ngân của TP. Hồ Chí Minh đạt 19,63%, tương đương với trên 15.561 tỷ đồng đã được giải ngân. Đây là tỷ lệ quá thấp so với kế hoạch vốn thành phố được giao (79.263,78 tỷ đồng).

Để thực hiện giải ngân vốn, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong từng văn bản đều nêu rõ từng nhiệm vụ cũng như nhắc nhở các đơn vị chưa thực hiện đạt yêu cầu, từng dự án lớn. Tuy nhiên, giải ngân vẫn đạt thấp.

Để tăng tốc trong những tháng cuối năm, TP. Hồ Chí Minh thực hiện phân cấp giao dự án nhóm C cho chủ tịch UBND các quận, huyện,

TP. Thủ Đức thực hiện. Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, các đơn vị có liên quan rút ngắn 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công.

Cũng như TP. Hồ Chí Minh, năm 2024 Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn lớn. Đến thời điểm này, Hà Nội giải ngân ước đạt 44,62%. Tỷ lệ này, theo ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Nhưng xét về giá trị giải ngân tuyết đối, Hà Nội đang đứng thứ 2 cả nước (sau Bộ GTVT) và cao hơn 25,4% cùng kỳ năm 2023.

Trong thời gian 3 tháng, TP. Hà Nội tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư phải rà soát từng dự án, xây dựng kế hoạch triển khai, giải ngân theo từng tuần, tháng để kịp thời đôn đốc các nhà thầu, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký ban hành chỉ thị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm. Tại chỉ thị, lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án như “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngầy tết”… Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.