Quảng Ninh có hơn 1.100 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2025 Hơn 82 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng biển tại Quảng Ninh trong 6 tháng Quảng Ninh đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công sau sáp nhập Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế quý III đạt trên 19,6%

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định với tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 30.057 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương giao, 52% dự toán tỉnh giao và vượt 8% so với kịch bản thu. Trong đó, thu nội địa đạt 18.845 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 8.945 tỷ đồng.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc duy trì nguồn lực tài chính vững chắc đã góp phần quan trọng bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư phát triển và ổn định đời sống nhân dân.

Mặc dù tổng thu đạt kết quả tích cực, song theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh, vẫn còn 5/16 khoản thu nội địa chưa đạt tiến độ thu bình quân, như thu tiền thuê đất chỉ đạt 32%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 24%, thuế bảo vệ môi trường 37%...

Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách hơn 57.000 tỷ đồng trong năm 2025
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 của Quảng Ninh ước đạt 30.057 tỷ đồng. Ảnh: T.D

Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách 6 tháng đầu năm cũng được triển khai quyết liệt, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.245 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch và cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp ở nhiều đơn vị, đặc biệt là các khoản vốn kéo dài từ năm trước sang năm nay. Một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, y tế, bảo vệ môi trường cũng có tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt khoảng 30 - 40%.

Để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu tài chính 6 tháng cuối năm và chuẩn bị cho năm 2026, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, UBND tỉnh cần tập trung rà soát, tăng cường thu đúng, thu đủ, chống thất thu và nợ đọng thuế ở các lĩnh vực dễ thất thu như thương mại điện tử, du lịch, logistics... Đồng thời, đẩy mạnh quản lý hóa đơn điện tử, chống gian lận thuế và xử lý nghiêm các vi phạm.

Về chi ngân sách, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn giữa các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân tốt. Việc đảm bảo chi lương, phụ cấp, an sinh xã hội và các khoản chi thường xuyên cần được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tránh tình trạng gián đoạn trong hệ thống chính trị cơ sở.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cần sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi ngân sách mới phù hợp với thực tiễn để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách và làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2026. Việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 2026–2030, đặc biệt là cơ cấu lại các khoản thu – chi theo hướng bền vững.

Với những giải pháp đồng bộ, Quảng Ninh đang phấn đấu duy trì ổn định tài chính, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2021 - 2025 và tạo đà cho những năm tiếp theo./.