Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 1.150 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, 536 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Quảng Ninh lên 11.493. Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, 112 hợp tác xã (HTX) mới được thành lập, hoàn thành 78,3% chỉ tiêu cả năm, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 725 đơn vị.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng ghi nhận sự tăng trưởng đồng đều. Khu vực công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,07%. Thương mại - dịch vụ có bước bứt phá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1%, vượt 2% so với kế hoạch.
Du lịch tiếp tục là điểm sáng khi đón hơn 12 triệu lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt khoảng 2,275 triệu lượt, khách lưu trú đạt 3,735 triệu lượt (tăng 18%), mang về doanh thu khoảng 29.140 tỷ đồng – tương đương 107% kế hoạch nửa năm.
![]() |
Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Quảng Ninh là gần 11.500 doanh nghiệp. Ảnh T.T |
Vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 29,4%. Xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt gần 1,95 tỷ USD, tăng 15,2%, còn kim ngạch nhập khẩu đạt 2,195 tỷ USD, tăng 15,8% – đều đạt và vượt chỉ tiêu 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, trong quý II, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, đặc biệt là căng thẳng thương mại và thay đổi chính sách thuế của Hoa Kỳ, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất – xuất khẩu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều văn bản hướng dẫn, kết nối thị trường mới qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được ban hành. Các hội nghị chuyên đề, hội thảo logistics và giao ban xúc tiến thương mại liên tục được tổ chức với sự tham gia của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chè, thủy sản…
Đặc biệt, các sở, ngành trong tỉnh cũng chủ động vào cuộc. Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn, Công an tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp vận tải, Hải quan khu vực VIII tiến hành tham vấn doanh nghiệp… Qua đó, 136 kiến nghị từ doanh nghiệp trong nước và FDI đã được giải quyết đến hết tháng 6.
Những chuyển động tích cực đó cho thấy nỗ lực lớn của Quảng Ninh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất sau dịch và biến động kinh tế quốc tế. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tại Quảng Ninh đã giảm lãi suất cho vay về mức 4,0–8,2%/năm cho vay ngắn hạn và 7,2–11,0%/năm cho vay trung – dài hạn. |