Thị trường chứng khoán hôm nay giảm phiên thứ 3 liên tiếp sau khi không vượt qua được ngưỡng cản 1.300 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ mức đáy hồi tháng 5 vừa qua với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn. Tâm lý nhà đầu tư bị tác động do áp lực bán diễn ra trên diện rộng theo diễn biến của thị trường quốc tế. Giảm mạnh là xu thế chung của thế giới, khi lạm phát Mỹ đạt đỉnh.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/6, sắc đỏ đã bao trùm hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu, thậm chí, những nhóm ngành có nhịp hồi phục mạnh vừa qua như dầu khí, thủy sản, phân bón, dệt may, bán lẻ... cũng không ngoại lệ.

Theo số liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm -57,04 điểm (-4,44%) còn 1.227,04 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán, toàn sàn HOSE chỉ có 38 mã tăng, trong khi có tới 458 mã giảm và 16 mã đứng giá. Chỉ số VN30 cũng không ngoại lệ khi giảm tới -64,84 điểm (-4,89%) xuống 1.260,85 điểm. Ở rổ VN30 chỉ có 1 cổ phiếu tăng, trong khi có tới 29 cổ phiếu giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt -5,28% và -5,32%.

Chứng khoán hôm nay (13/6): Tác động “ngoại biên” khiến thị trường gặp áp lực bán trên diện rộng
VN-Index giảm sâu trước áp lực bán trên diễn rộng. Nguồn: MBS.

Các cổ phiếu lớn đã gây sức ép lên VN-Index phiên này là: MSN (-6,84%), VHM (-3,37%), VPB (-6,96%), BID (-5,47%), CTG (-6,83%), … đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: EIB (+1,64%), POW (+1,67%), VSH (+3,04%), NT2 (+3,02%), PDN (+6,96%), …

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng đóng cửa trong sắc đỏ khi áp lực bán trên diện rộng. Theo đó, HNX-Index giảm 18,07 điểm (-5,9%) xuống 288,37 điểm. Toàn sàn HNX có 17 mã tăng, 215 mã giảm và 12 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 3,19 điểm (-3,4%) xuống 90,53 điểm, với 246 mã giảm, chỉ có 57 mã tăng và 43 mã đứng giá.

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 20.990 tỷ đồng, tăng 9,9%. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng 14% lên 17.766 tỷ đồng – đây là mức cao nhất trong 4 tuần, cao hơn hẳn mức bình quân tuần trước là 14.946 tỷ đồng. Về mặt khối lượng, trên HOSE có tổng cộng có 709 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 529 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Mặc dù lực bán chủ yếu xuất phát từ khối nội, nhưng khối ngoại giao dịch không còn giữ được sự tích cực như các phiên trước. Theo đó, khối ngoại đã mua vào 42 triệu cổ phiếu, trị giá 1.491 tỷ đồng, trong khi bán ra 54,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.566 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 12 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là hơn 75 tỷ đồng – đây là con số không lớn. Khối này bán ròng trên HOSE, nhưng mua ròng trên UPCoM và HNX.

Trên sàn HOSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 5 phiên mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 182 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 15,7 triệu cổ phiếu. Lực bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu/chứng chỉ quỹ như FUEVFVND, DGC, SSI, VCB, VIC, CTG … Ở chiều ngược lại, BSR, GAS, GMD, DCM, MSN … là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Ở sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ 5 tỷ đồng (tăng 60% so với phiên trước), tương ứng khối lượng mua ròng là 148.452 cổ phiếu. Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng gần 102 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 3,4 triệu cổ phiếu.

Đánh giá về thị trường chứng khoán hôm nay, các chuyên gia của MBS cho rằng, thị trường có phiên giảm mạnh kể từ mức đáy hồi tháng 5 khi giới đầu tư đang dồn sự chú ý về thông điệp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chỉ số VN-index không vượt được ngưỡng 1.300 điểm, số lượng cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn gần 240 mã gợi cho nhà đầu tư chuỗi giảm từ giữa tháng 4 giữa tháng 5 vừa qua dù không có bất kỳ thông tin bất lợi nào từ trong nước.

Trên thực tế, thị trường cũng đã dự phóng ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới tuần này khi đã có phiên giảm mạnh ở phiên cuối tuần trước. Đợt giảm này có thể không xuất phát từ áp lực margin như giai đoạn tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, ở 3 tuần thị trường hồi phục, mức thanh khoản cũng rất thấp. Do vậy, tác động từ thị trường quốc tế là nguyên nhân chính khiến thị trường gặp áp lực bán trên diện rộng.

Thống kê thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường châu Á – Thái Bình Dương giảm điểm trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ bị bán tháo sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện ở ngưỡng 3,1892%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng lên ngưỡng 3,1464%.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm -3,01%, bên cạnh đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng sụt -3,52%.

Còn ở Trung Quốc đại lục, thị trường đồng loạt đi xuống với chỉ số Shanghai Composite chốt phiên giảm -0,89%, bên cạnh đó chỉ số Shenzhen Component cũng giảm -0,3%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong giảm mạnh nhất khu vực -3,55%.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn về thông điệp của Chủ tịch FED, Jerome Powell tại cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào lúc 2h30 chiều ngày 15/6 tới (giờ địa phương). Tại cuộc họp này, FED được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 5/2022 đã khiến thị trường hoài nghi liệu các nhà hoạch định chính sách có đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn hoặc đưa ra dự báo nâng lãi suất mạnh hơn trong tương lai./.