Lập 6 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công Giải ngân vốn đầu tư công: Phá tan sự ì ạch với các giải pháp mạnh Thúc đẩy giải ngân phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu

Đòn bẩy chưa phát huy hiệu quả

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nói chung và gói giải ngân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội nói riêng là rất chậm, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng.

Đầu tư công được coi là đòn bẩy cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên đến nay còn chậm.

“Có một sự sốt ruột không hề nhẹ” về giải ngân đầu tư công
ĐBQH Trịnh Xuân An: “Có một sự sốt ruột không hề nhẹ” đối với giải ngân đầu tư công

Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, Chính phủ cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trong Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch Covid-19 chưa được thực hiện hiệu quả.

ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm. Theo nữ ĐB, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.

“Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả” - ĐB Tạ Thị Yên nói.

Đồng tình với các ý kiến phát biểu trước đó, ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, điểm mấu chốt hiện nay là cần tập trung triển khai nhanh nhất gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tránh lỡ nhịp tăng trưởng.

Theo ĐB, giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế chính sách. Hiện nay nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách, xong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay mà cử tri và doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm.

Tránh xin ý kiến lòng vòng, dồn việc lên Thủ tướng

ĐB Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Thủ tướng Chính phủ.

“Bên cạnh đó, tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa, đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác giải ngân và triển khai các chính sách đã được Quốc hội quyết định” - ĐB Trịnh Xuân An nói.

Một số ý kiến đồng tình cho rằng, cần chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong triển khai chậm trễ. Đây là việc làm cần thiết để các quyết sách của nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.

Theo ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), để tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, một trong những giải pháp quan trọng là phải giải quyết một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công...

“Một số dự án đầu tư công chậm triển khai là do vướng mắc về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng cũng như do cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập; trong khi đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội chỉ được áp dụng cho 2 năm là 2022 và năm 2023”, ĐB Nguyễn Thị Yến phân tích thêm.

Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết 43/2022/QH15, phát huy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, ĐB Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên theo phân cấp quản lý để đạt được mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 không đạt kế hoạch, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021, phải chuyển nguồn sang năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm vẫn trì trệ, chỉ đạt 16,36% (thấp hơn mức 17,04% so với cùng kỳ năm 2021) trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; khẩn trương hoàn thiện danh mục dự án của các nguồn vốn đầu tư chưa được phân bổ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định./.