![]() |
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh |
Tỷ lệ giải ngân chưa đồng đều
Trong tháng 5 và 6, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục duy trì tốc độ tích cực. Theo đó, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đã vượt tỷ lệ cùng kỳ năm 2024. Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch vốn theo đúng nhu cầu thực tế của các bộ, ngành, địa phương, Bộ đã tổng hợp, ước tính tỷ lệ giải ngân 6 tháng tính trên kế hoạch đề xuất điều chỉnh giảm (bao gồm tổng hợp đề xuất điều chỉnh vốn ngân sách trung ương của 10 bộ, ngành và 3 địa phương đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định).
Giải ngân vốn đầu tư công - phép thử của năng lực Trong bối cảnh cả nước đang chuyển mình mạnh mẽ sau sắp xếp đơn vị hành chính, giải ngân vốn đầu tư công được xem là “phép thử” cho năng lực điều hành, tổ chức thực thi nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Không để hành chính làm chậm đầu tư - đó không chỉ là yêu cầu, mà là mục tiêu cấp bách. |
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2025, so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (825.922,3 tỷ đồng), có 8 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt từ mức bình quân chung cả nước, nhưng có tới có 32 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt dưới bình quân chung cả nước.
Đối với 11 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải cũng được đánh giá là vẫn còn chậm khi hết tháng 5 mới giải ngân được trên 14.606 tỷ đồng, đạt 16,5% kế hoạch vốn được giao (trên 88.750 tỷ đồng). Tỷ lệ này tiếp tục thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân chung của Bộ Xây dựng sau sáp nhập (19,7%) và bình quân chung 5 tháng của cả nước (22,34%).
Nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn vốn này đi vào xã hội còn chậm đã được nhắc đến tại các hội nghị về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó nổi lên nguyên nhân liên quan đến quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, để phù hợp với cơ cấu bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan trung ương và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án hoặc đang trong quá trình rà soát để xác định lại nhu cầu, điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến chưa tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để chờ kết quả rà soát, tránh lãng phí.
Ngoài ra là việc thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương do không duy trì cấp huyện và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, sáp nhập cũng là nguyên nhân làm cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng, công tác thanh toán, quyết toán phải kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án của trung ương và địa phương do các đơn vị cấp huyện là tổ chức chủ chốt triển khai công tác giải phóng mặt bằng...
Tăng tốc, bứt phá
Ngày 1/7/2025 ghi dấu lịch sử của đất nước bằng việc “sắp xếp lại giang sơn”. Từ đây, chính quyền cấp huyện đã bị loại bỏ, 63 tỉnh, thành phố được sắp xếp lại còn 34 tỉnh, thành phố. Điều này đòi hỏi công tác bàn giao, tiếp nhận và giải ngân phần vốn còn lại phải được thực hiện khoa học, tránh phát sinh thủ tục, không để vốn “nằm im” vì lý do tổ chức bộ máy.
Thực tiễn này cũng đòi hỏi các địa phương phải chủ động lập phương án giám sát đặc biệt đối với các dự án chuyển giao, đồng thời sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp xã đủ năng lực, kinh nghiệm để có sự tăng tốc, bứt phá. Không để việc thay đổi tổ chức hành chính trở thành nguyên nhân trì hoãn tiến độ giải ngân. Đồng thời, giải ngân vốn đầu tư công sẽ là thước đo năng lực điều hành, tổ chức thực thi nhiệm vụ của lãnh đạo từng địa phương.
Trước yêu cầu đó, tại từng địa phương đã đưa ra các giải pháp và quyết tâm để hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ cao nhất.
Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa (trước đây) đã chứng minh vai trò của đầu tư công như một “đòn bẩy” quan trọng để kích hoạt tăng trưởng của địa phương. Tính đến đầu tháng 6/2025, địa phương này đã giải ngân 2.211,3 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, đạt 27,89% kế hoạch năm và tăng 33,96% so với cùng kỳ 2024.
Ông Nguyễn Đức Mạo - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực XIV cho biết, khi sáp nhập cùng tỉnh Ninh Thuận để trở thành tỉnh Khánh Hòa mới, Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa với vai trò là “đầu tàu” khu vực XIV đã phải tiếp nhận và xử lý các hồ sơ, chứng từ tăng gấp đôi so với ngày thường. Song song với đó là thực hiện chuyển đổi dữ liệu, bố trí nơi ăn chốn ở cho các cán bộ từ Ninh Thuận chuyển về… Tuy nhiên, việc kiểm soát và giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công vẫn là công việc được đơn vị đưa lên hàng đầu.
“Theo đó, mọi hồ sơ, chứng từ thanh toán vốn được gửi đến đều được công chức Kho bạc Nhà nước khu vực XIV tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng theo đúng quy định. Dòng vốn đầu tư công đang chảy mạnh vào các dự án hạ tầng then chốt, tạo hiệu ứng lan tỏa rõ rệt tại địa phương” - ông Mạo nhấn mạnh. Đồng thời ông Mạo cho biết, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV đang tiếp tục đẩy mạnh các giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến để nhanh chóng đưa nguồn vốn đến với các dự án, công trình nhanh nhất.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Hải Phòng (TP. Hải Phòng cũ nay là TP. Hải Phòng), tính đến hết ngày 20/6/2025, thành phố đã giải ngân được 6.425 tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và kế hoạch thành phố giao (trên 25.440 tỷ đồng).
Tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân là do thành phố được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 cao hơn so với năm 2024, nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn so với năm ngoái.
Theo đó, để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư được giao vốn tiếp tục tập trung cao các giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, công trình được phân bổ vốn; quyết toán các dự án, công trình đã hoàn thành.
TP. Hồ Chí Minh cũ (nay là TP. Hồ Chí Minh mới) hiện cũng đang có tỷ lệ giải ngân thấp. Để đảm bảo tiến độ giải ngân trong bối cảnh mới, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề ra giải pháp tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, đồng thời triển khai cơ chế phân công, phân cấp, giao trách nhiệm và phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị theo tinh thần “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát hiện trường cũng sẽ được thành phố được tăng cường trong thời gian này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn về đất đai, nguyên vật liệu…
Bộ Tài chính chủ trì đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công Bộ Tài chính được giao làm đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc các tổ công tác theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã báo cáo tình hình giải ngân của từng đơn vị, đề xuất giải pháp để hoàn thành mục tiêu năm 2025, đồng thời trả lời các kiến nghị thuộc lĩnh vực được giao và đề nghị các bộ, cơ quan trung ương xử lý kiến nghị liên quan đến lĩnh vực phụ trách, gửi về các tổ công tác theo quy định. |