Theo đó, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước Bùi Tuấn Minh yêu cầu, 220.000 tấn gạo được nhập kho dự trữ quốc gia là gạo hạt dài, loại 15% tấm, được xay xát từ thóc thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2025 có xuất xứ trong nước (tại khu vực Nam Bộ), bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Cục Dự trữ Nhà nước triển khai mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2025
Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2025. Ảnh: Khánh Huyền

Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước và qua mạng Internet. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong tháng 3/2025.

Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước giao Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực căn cứ giá gói thầu để quy định giá bảo đảm dự thầu cho từng gói thầu trong hồ sơ E-HSMT.

Cụ thể, đối với gói thầu có giá trị trên 10 tỷ đồng, giá trị bảo đảm dự thầu cho từng gói thầu băng 3% giá gói thầu. Đối với gói thầu có giá trị không quá 10 tỷ đồng, giá trị bảo đảm dự thầu cho từng gói thầu băng 1,5% giá gói thầu.

Trước thời điểm đóng thầu, trong trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự toán của từng gói thầu để các Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu theo quy định.

Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước giao Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực tổ chức lựa chọn nhà thầu bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền... về phân cấp thẩm quyền trong mua, bán lương thực, muối ăn dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (nay là Cục Dự trữ Nhà nước).

Tại Quyết định số 59/QĐ-DTNN, Cục Dự trữ Nhà nước đã giao 15 Chi cục DTNN khu vực mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2015 là 220.000 tấn, trong Chi cục Dự trữ Nhà nước: Khu vực I mua nhập kho DTQG là 19.500 tấn; khu vực II, khu vực III cùng chỉ tiêu là 21.000 tấn; khu vực IV là 15.000 tấn; khu vực V là 8.000 tấn; khu vực VI là 18.000 tấn; khu vực VII là 21.000 tấn; khu vực VIII là 20.000 tấn; khu vực IX, X, XI có chỉ tiêu mua nhập giống nhau là 12.500 tấn; khu vực XII là 12.000 tấn; khu vực XIII là 7.000 tấn; khu vực XIV là 8.000 tấn; khu vực XV là 12.000 tấn.