Du lịch đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt

Chiều 27/12, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức hội thảo "Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu". Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đánh giá, ngành hàng không trong thời gian qua đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.

Để thu hút khách, ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ hơn
Quang cảnh hội nghị

Năm 2022, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường.

Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch đặt ra năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhìn nhận, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch đặt ra năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế của Việt Nam chưa được như kỳ vọng là do thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế; xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc.

Về nguyên nhân chủ quan, du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch… Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

"Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch. Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài" - ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay.

Mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời

Ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không quốc tế đã có hơn 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hành khách trên 154 đường bay quốc tế kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 5 điểm của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc.

"Năm 2022, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 11 triệu hành khách khách (tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019), tuy nhiên chỉ tính riêng cho quý IV/2022, tổng thị trường quốc tế đạt 5,1 triệu khách, bằng 50% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019" - ông Bùi Minh Đăng cho hay.

Để thu hút khách, ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ hơn
Lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam còn hạn chế. Ảnh: T.L

Trong thời gian tới, ngành hàng không sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát và kiên trì trong việc tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này.

Đồng thời, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là việc khai thác cảng hàng không quốc tế; khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, du lịch và hàng không có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên. Để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn.

Do đó, thời gian tới, du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực…

Tổ chức Du lịch thế giới công bố báo cáo thường kỳ, nhận định ngành du lịch thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 nhờ các nước đã mở cửa biên giới tích cực. Trong đó, khu vực châu Âu và châu Mỹ phục hồi mạnh nhất; khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi chậm hơn do nhiều thị trường gửi khách chưa mở cửa hoàn toàn. So với các khu vực khác trên thế giới, châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi chậm hơn do nhiều thị trường gửi khách chưa mở cửa hoàn toàn, vì vậy dự kiến đến năm 2024 khu vực này mới có thể quay về mức phát triển như trước đại dịch.