Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Chủ động chuyển đổi, không làm gián đoạn quyền lợi người thụ hưởng Tăng thêm mức hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/7/2025

Sẵn sàng mọi nguồn lực

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền tại Việt Nam. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, sẵn sàng mọi nguồn lực triển khai hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Giải quyết thủ tục bảo hiểm xã hội không phụ thuộc địa giới hành chính
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sẵn sàng cho mô hình địa phương 2 cấp. Ảnh minh họa

Ông Lê Hùng Sơn cho biết, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, không để việc chuyển đổi ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Theo Nghị quyết 08-NQ/ĐUBTC ngày 23/4/2025, Đảng ủy Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức lại 35 bảo hiểm xã hội khu vực thành 34 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố, không tổ chức bảo hiểm xã hội cấp huyện; chuyển đổi bảo hiểm xã hội cấp huyện thành bảo hiểm xã hội cơ sở thuộc bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố để quản lý trên địa bàn một số đơn vị hành chính cấp xã. Đây là nền tảng, bước chuẩn bị cơ bản để Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẵn sàng triển khai nhiệm vụ phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các khu vực đánh giá tác động từ sớm, từ xa để lường trước các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời có các giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người dân, doanh nghiệp....

Với tinh thần dồn lực, ưu tiên cho công tác triển khai bộ máy mới ở địa phương, toàn hệ thống đã tập trung, chủ động chuẩn bị tất cả khâu từ bố trí con người, đến rà soát, chuyển đổi các phần mềm nghiệp vụ tương thích… với tâm thế “sẵn sàng vào cuộc”.

Theo đó, hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập các Tổ thường trực tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam do trực tiếp Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các khu vực làm tổ trưởng. Các Tổ Công tác có nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề phát sinh trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; kiểm tra, khảo sát, bám sát thực tế triển khai tại cơ sở để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ hoặc báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn bảo hiểm xã hội các địa phương trong triển khai nhiệm vụ theo mô hình mới; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tới người dân, người lao động, đơn vị sử dụng lao động về địa chỉ giao dịch, trụ sở, số điện thoại của cơ quan bảo hiểm xã hội, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, liên hệ và thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…; hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công khi thay đổi, sáp nhập đơn vị hành chính…

Phục vụ phi địa giới hành chính

Một trong những lo ngại của người dân khi sáp nhập đơn vị hành chính, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là làm tăng khoảng cách đến các cơ quan hành chính, gây khó khăn trong việc đi lại để giải quyết các thủ tục hành chính.

Về vấn đề này, Bảo hiểm Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính theo Nghị định số 118/2025/NĐ-CP về việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tuân thủ Công điện hỏa tốc số 90/CĐ-TTg ngày 17/6/2025 để đảm bảo sự linh hoạt về hình thức, phương thức tiếp nhận, phù hợp với đặc điểm địa lý, tập quán của nhân dân và tình hình từng địa bàn, khu vực.

Giải quyết thủ tục bảo hiểm xã hội không phụ thuộc địa giới hành chính
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 70 dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình và đã tích hợp 100% trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, liên thông dữ liệu trong các hoạt động nghiệp vụ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực; được các tổ chức, cá nhân ghi nhận, đánh giá cao trong việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 70 dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình và đã tích hợp 100% trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phương thức nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí.

Đồng thời, với mô hình tổ chức mới gắn với chính quyền địa phương 2 cấp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tái cơ cấu các quy trình nghiệp vụ, liên thông với dữ liệu dân cư và dữ liệu các bộ, ngành; cắt bỏ các giấy tờ thủ tục đã có dữ liệu (dân cư, căn cước, bảo hiểm xã hội, đăng ký xe, giấy phép lái xe)…

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, theo đó nhiều thủ tục hành chính hiện nay người lao động có thể lựa chọn nộp tại bất kỳ cơ quan bảo hiểm xã hội nào thuận tiện nhất.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, việc thay đổi sắp xếp theo 2 mô hình bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố và bảo hiểm xã hội cơ sở (không tổ chức bảo hiểm xã hội cấp huyện) không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ, quyền lợi của người tham gia, người thụ hưởng.

Đến thời điểm này, sau khi đã chủ động rà soát các chức năng chính của các phần mềm nghiệp vụ có liên quan đến việc liên cấp huyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sẵn sàng phục vụ nhân dân theo mô hình địa phương 2 cấp.

Tính đến hết tháng 6, ước tính toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết 9.469.450 lượt hồ sơ với tỷ lệ hồ sơ giải quyết hoàn toàn trực tuyến đạt 80%.
Đồng thời, giải quyết cho 90.655 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng, tăng 132,56% so với cùng kỳ năm 2024; gần 4,4 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tăng 8,39% so với cùng kỳ năm 2024...